Theo đại tá Lê Văn Tam, khi tiến hành đọc lệnh khởi tố bị can và tiến hành khám xét nhà ông Phan Văn Anh Vũ thì ông này không có mặt, cơ quan công an đã lập biên bản và ra quyết định truy nã.
Vào thời điểm khám xét nhà, cả vợ con của ông Vũ “nhôm” cũng không có mặt.
Theo đại tá Lê Văn Tam, Công an thành phố Đà Nẵng nhận được thông báo truy nã Phan Văn Anh Vũ vào ngày 22-12 và phía Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp, các thông tin liên quan đến vụ án thì phải hỏi Bộ Công an.
Đại tá Trần Phước Hương, trưởng Công an quận Hải Châu, Đà Nẵng, cho biết trưa 22-12, lực lượng công an quận nhận được thông báo truy nã Phan Văn Anh Vũ và sau đó đã tiến hành truy tìm theo quyết định truy nã.
Tuy nhiên, ông này không có mặt tại địa phương và công an quận tiếp tục triển khai theo quy định.
Trong khi đó, luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, cho rằng trước khi có các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, mọi người vẫn đảm bảo các quyền công dân, đi lại...
Vì thế, đối với trường hợp như ông Phan Văn Anh Vũ, cơ quan công an chỉ có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như trong quá trình điều tra nếu thấy bị can có dấu hiệu bỏ trốn thì tiến hành khởi tố bị can sớm.
Luật sư Cao nói rằng trong trường hợp xác minh các tố giác như tố giác tội phạm, phục vụ quá trình điều tra, cơ quan công an có thể cấm xuất cảnh có thời hạn. Quá trình này có sự giám sát của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Theo Đ.C - H.Q (Tuổi Trẻ)