Mới đây, Phạm Thị Trúc Tiên (44 tuổi, ngụ xã Đông Thạnh, Hóc Môn) bị Công an quận Bình Thạnh tạm giữ, lấy lời khai để điều tra về hành vi đánh thuốc mê, lấy tài sản của người khác.
Cảnh giác người tự nhiên làm quen
Theo bà M. (người bị hại), có một phụ nữ tới làm quen một cách tự nhiên nên bà không nghi ngờ gì. “Lúc đó tôi đang ngồi chờ xe, người này tới làm quen rồi hỏi đi về đâu, tôi mới nói là đi về Phú Yên. Cô đó mới nói tên là Tiên và làm công nhân, mới xin nghỉ 10 ngày rồi than khổ này nọ. Thấy người ta ăn mặc cũng bình thường, không sang trọng gì nên cũng tin tưởng ngồi trò chuyện” - bà M. kể.
Nói chuyện một lúc, Tiên mua cơm mời bà M. ăn. Sau khi ăn xong, nạn nhân bị mê man và được bảo vệ tại Bến xe Miền Đông phát hiện kịp thời, Tiên cũng bị khống chế ngay tại chỗ. Bà M. được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Theo chẩn đoán của bác sĩ, bà M. bị cho uống thuốc ngủ thảo dược quá liều.
Trước đó báo chí cũng đưa tin Công an quận 7, TP.HCM tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Tú Uyên (36 tuổi, quê Đồng Nai, tạm trú quận 7) để điều tra về hành vi đánh thuốc mê, cướp tài sản.
Người bị hại là ông M. cho biết trước đó quen với một phụ nữ trên mạng xã hội. Sau một thời gian tâm sự, người phụ nữ tới nhà ông M. trong khu dân cư Him Lam (phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM) chơi. Tại đây, ông M. mời bia nhưng khi uống vài ngụm thì ông bất tỉnh. Theo trình báo, nạn nhân bị mất 120 triệu đồng, máy ảnh, điện thoại... với tổng giá trị khoảng 270 triệu đồng.
Tránh dùng thức ăn, nước uống pha sẵn
Ông Đoàn Văn Khựng, Trưởng Công an phường 26, quận Bình Thạnh, xác nhận vừa qua tại Bến xe Miền Đông có xảy ra vụ việc trộn thuốc mê vào thức ăn để cướp tài sản. Hiện công an quận đang điều tra làm rõ.
Nói về thủ đoạn của những người bỏ thuốc mê nhằm cướp tài sản, ông Đoàn Văn Khựng cho biết để đánh thuốc mê, đối tượng đã lựa chọn địa điểm thích hợp như nơi đông người, nơi tập trung nghỉ ngơi ăn uống, người nhẹ dạ cả tin… Và các bến xe hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí này.
“Ban đầu đối tượng sẽ lân la tiếp cận những người có tài sản, người ở vùng khác để trò chuyện làm quen. Sau khi tiếp cận được, đối tượng sẽ ngỏ ý mời nước hoặc đi mua đồ ăn giùm, sau đó lén bỏ thuốc mê vào đồ uống, thức ăn. Nếu người dân không cảnh giác thì vô tình trở thành “con mồi”. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác khi bỗng nhiên có người lân la làm quen, mời đồ ăn, thức uống, đặc biệt là đồ uống pha sẵn, đã mở nắp. Trường hợp phát hiện đối tượng khả nghi, người dân nên di chuyển đến nơi khác và báo công an” - ông Khựng chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Hậu, Phó Trưởng Công an phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, cho biết các đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân trong giao dịch công việc để cướp tài sản. Thông thường khi đối tượng thực hiện thủ đoạn đánh thuốc mê thường chọn khách sạn, nhà trọ hoặc nhà riêng của “con mồi” nhằm tránh sự để ý của công an và tiện cho việc tẩu thoát.
Trong thời điểm giao dịch, đối tượng sẽ mở nắp đồ uống hoặc các loại thức ăn để mời “con mồi” ăn uống. Sau khi “con mồi” dính thuốc mê, họ dễ dàng thực hiện hành vi cướp tài sản. Vì vậy, người dân không nên giao dịch với người lạ ở những nơi vắng vẻ, không nên uống nước, đồ pha sẵn để tránh việc bị đánh thuốc mê.
Thuốc mê quá liều, nạn nhân có thể tử vong
PGS-TS-dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên chính khoa Dược ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết hiện nay các đối tượng thường sử dụng thuốc an thần gây ngủ loại mạnh hoặc thuốc gây mê dạng khí bay hơi để ức chế hệ thần kinh trung ương, làm nạn nhân đi vào giấc ngủ hoặc đi vào hôn mê, mất hoàn toàn ý thức, phản xạ khiến họ bất động rồi ra tay cướp tài sản.
Nếu nạn nhân bị chuốc thuốc an thần gây ngủ hoặc thuốc mê liều lượng vừa phải thì không việc gì, tuy nhiên nếu quá liều, nạn nhân có thể ngưng thở do suy hô hấp và có thể tử vong. Thông thường kẻ gian sử dụng bất kể liều lượng, miễn đạt được mục đích nên càng nguy hiểm.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức cũng chia sẻ nếu đúng là thuốc mê được bán rộng rãi như vậy, các cơ quan chức năng nên kiểm tra, xử lý mạnh tay, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.Hoàng Lan
Theo Đào Trang (Pháp Luật TP HCM)