Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao vào cuộc vụ Kỳ án gỗ trắc ở Quảng Trị

24/07/2021 08:07:15

Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao đã vào Quảng Trị để ghi nhận các quan điểm, yêu cầu, kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và một số tổ chức khác về vụ án ông Trương Huy Liệu (SN 1959) cùng vợ là Trần Thị Dung (SN 1961) chủ của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) bị kết tội buôn lậu gỗ trắc tại Quảng Trị, Đà Nẵng diễn ra năm 2011.

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao vào cuộc vụ Kỳ án gỗ trắc ở Quảng Trị
Bị cáo Trương Huy Liệu tại tòa

Vụ án đã được xét xử nhiều lần, qua hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, ông Liệu đang thi hành án tù. Đây là vụ án mà báo Tiền Phong đã có nhiều bài phản ánh.

Kiến nghị xem xét dấu hiệu oan sai

Cách đây ít ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị có kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đề nghị giám sát vụ án và yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án hình sự phúc thẩm số 187/HSPT ngày 26/7/2019 của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng.

Kiến nghị nêu rõ, trước đó, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét vụ án. Nhưng hơn 1,5 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị vẫn chưa rõ thông tin giải quyết để trả lời cho cử tri, công luận và nhân dân được biết.

Được biết, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã cử cán bộ vào Quảng Trị nhằm ghi nhận các quan điểm và các yêu cầu, kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh để có cơ sở giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Đức Thắng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị (Quốc hội khóa XIV và XV) đã có ý kiến về ba vấn đề. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh qua giám sát thấy đây là vụ án rất nghiêm trọng có nhiều dấu hiệu bất thường và oan sai như: bán tang vật trái pháp luật, kết tội oan cho người vô tội nhưng không được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Mặc dù, Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng đã có kiến nghị nhưng không được cơ quan tố tụng xem xét, khiến cử tri hoài nghi về sự bao che, tiếp tay, dung túng cho vi phạm…

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cung cấp cho Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao các tài liệu thể hiện kết quả giám sát mà Đoàn đã thực hiện và các tài liệu có liên quan đến vụ án Trương Huy Liệu “buôn lậu”, đồng thời đề nghị xem xét dấu hiệu oan, sai để báo cáo cấp có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án.

Nhiều câu hỏi xoay quanh vụ án cần làm rõ

Trước đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị đã có ý kiến về 4 vấn đề liên quan đến vụ án trên khi làm việc với đoàn cán bộ của Viện KSND Tối cao. Ngoài việc cho rằng, vật chứng bị bán trái luật ngay giai đoạn điều tra đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá bản chất và tính khách quan của vụ án, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đặt vấn đề tại sao doanh nghiệp Ngọc Hưng nhập khẩu 535,800m3 ngày 17/12/2011 thì bị coi là vi phạm pháp luật, còn 538 m3 nhập ngày 18/12/2011 thì không vi phạm và doanh nghiệp đã bán sang Trung Quốc.

Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị cũng đã có bản kiến nghị Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao và đề nghị làm rõ sự bất thường trong khâu giám định vật chứng và “cột” tội. Cụ thể, cùng một cơ quan giám định lô gỗ vật chứng (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), nhưng kết quả lần đầu là 453m3 (quy tròn), lần sau lại hơn 614m3 (quy tròn). Vậy nhưng tòa án khi xét xử lại chỉ căn cứ kết quả giám định lần hai để quy buộc 78m3 tăng thêm là gỗ buôn lậu? Đề nghị Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao xem xét việc này.

Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi giải quyết một vụ án, vật chứng là vật, tiền bạc thuộc sở hữu nhà nước, tổ chức, cá nhân hợp pháp thì phải trả lại cho chủ sở hữu. Nhưng tòa án lại tuyên số tiền bán đấu giá lô gỗ gần 64 tỷ đồng, tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4,1 tỷ đồng, còn lại gần 60 tỷ đồng chuyển giao Tổng cục Hải quan để xem xét về hành vi vi phạm hành chính. Phải chăng là để “hợp pháp” sai phạm bán đấu giá vật chứng trái pháp luật trước đó?

Trong năm 2019, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao lần lượt ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an về tội “Ra quyết định trái pháp luật”, quy định tại Điều 371 Bộ luật Hình sự.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong quá trình điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội Buôn lậu và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ông Phan Văn Vĩnh - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thời điểm đó - đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức.

Theo Phạm Xuân Dũng (Tiền Phong)

Nổi bật