Dự kiến sáng 16/6, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 9 bị cáo liên quan đến vụ nữ sinh Cao Mỹ Duyên (20 tuổi, trú tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bị bắt cóc, hiếp dâm, sát hại khi phụ mẹ giao gà vào dịp tết Nguyên đán 2019.
Được biết, Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 thẩm phán. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Bùi Xuân Trọng. Có 2 luật sư là Phùng Việt Hoa bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Nhiệm; luật sư Lại Huy Phát bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Dũng. Các bị cáo Vì Văn Toán, Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng, Lường Văn Hùng và Lường Văn Lả không mời luật sư nên tòa án chỉ định người bào chữa.
Luật sư Vũ Thị Nga và luật sư Nguyễn Thị Vi sẽ bảo vệ quyền và lợi ích cho gia đình bị hại Cao Mỹ Duyên. HĐXX cũng triệu tập 3 giám định viên của Bộ Công an, một cán bộ Trung tâm Pháp y tỉnh Điện Biên và 3 điều tra viên của Công an tỉnh Điện Biên.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2019, TAND tỉnh Điện Biên đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Vì Văn Toán: Tử hình về tội Giết người, 13 năm tù tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt là tử hình; Bùi Văn Công: Tử hình về tội Giết người, 14 năm tù tội Hiếp dâm, 13 năm tù về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, 24 tháng về tội Tàng trữ ma túy. Tổng hình phạt là tử hình;
Vương Văn Hùng: Tử hình về tội Giết người, 10 năm tù tội Hiếp dâm, 12 năm tù tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt là tử hình; Phạm Văn Nhiệm: Tử hình về tội Giết người, 12 năm tù tội Hiếp dâm, 11 năm tù tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt là tử hình.
Lường Văn Hùng: Tử hình về tội Giết người, 13 năm tù tội Hiếp dâm, 12 năm tù tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt là tử hình; Lường Văn Lả: Tử hình về tội Giết người, 12 năm tù tội Hiếp dâm, 11 năm tù tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt là tử hình.
Bị cáo Phạm Văn Dũng: 10 năm tù tội Hiếp dâm; Cầm Văn Chương: 9 năm tù tội Hiếp dâm; Bùi Thị Kim Thu: 3 năm tù tội Không tố giác tội phạm. HĐXX phiên sơ thẩm cũng buộc các bị cáo bồi thường tổng số tiền hơn 200 triệu đồng cho gia đình bị hại.
Sau phiên xử sơ thẩm, ông Cao Văn Hường (bố nạn nhân Duyên) đã có đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao tại Hà Nội. Theo ông Hường, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm chưa làm rõ vết máu trên xe tải của Bùi Văn Công là vết máu ở đâu trên thân thể con gái ông. Tại sao Công khai báo vết máu này là do kẻ khác bôi lên nhưng chưa được HĐXX làm rõ.
"Gia đình tôi xin không tử hình 6 bị cáo trước tiên là vì yếu tố nhân văn. Bên cạnh đó, tôi cho rằng cả vụ án con gái tôi bị sát hại và vụ án vợ tôi (bà Trần Thị Hiền) mua bán trái phép chất ma túy đều chưa được làm rõ. Nếu các bị cáo này bị tử hình, vụ án sẽ đi vào ngõ cụt, không còn ai để có thể tìm ra bản chất sự việc", đơn kháng cáo của ông Hương nêu.
Trước thông tin gia đình nạn nhân có đơn xin miễn án tử cho các bị cáo, vậy thì cơ hội nào cho những đối tượng đã sát hại nữ sinh Duyên. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận, các bị cáo phạm tội có tổ chức, cùng lúc thực hiện nhiều hành vi phạm tội. Do vậy, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt 6 bị cáo đầu vụ mức án tử hình là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Việc gia đình nạn nhân có đơn xin miễn án tử cho các bị cáo có thể được coi là một trong những căn cứ giảm nhẹ hình phạt trong phiên phúc thẩm tới. Tuy nhiên, nếu chỉ có đơn xin của gia đình nạn nhân thì cơ hội miễn án tử cho các bị cáo rất mong manh do các đối tượng này phạm cùng lúc nhiều tội danh đặc biệt nghiêm trọng.
"Tại tòa sơ thẩm, nhiều bị cáo vẫn ngoan cố, khai báo không thành khẩn, không thừa nhận tội danh mà VKSND đã truy tố. Nếu tại phiên phúc thẩm, các bị cáo án tử biết hối lỗi thì có thể được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s (khoản 1, Điều 51, BLHS 2015)", luật sư Anh chia sẻ.
Phân tích về tình tiết này, luật sư Anh cho rằng, thành khẩn khai báo được hiểu là trường hợp người phạm tội đã tự nguyện khai báo rõ ràng, chính xác về toàn bộ hành vi phạm tội của mình và những người đồng phạm khác. Ăn năn hối cải được hiểu là người phạm tội sau khi thực hiện hành vi cảm thấy day dứt, thể hiện thái độ hối hận của mình vì đã thực hiện tội phạm.
Cũng theo luật sư Anh, tại phiên phúc thẩm tới, HĐXX có quyền: Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; Sửa bản án sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. "Đây là vụ án nghiêm trọng, tại phiên sơ thẩm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã được tòa sơ thẩm xem xét một cách thấu đáo. Do vậy, trong phiên xử phúc thẩm, nếu không có thêm tình tiết mới thì rất khó có cơ hội cho những bị cáo bị án tử được giảm án", luật sư Anh nhận định.
Theo Bình Minh (Giadinh.net.vn)