Cơ hội nào cho Nguyễn Xuân Sơn nếu bị tuyên án tử hình

29/09/2017 08:51:00

Trong tình huống xấu nhất nếu Nguyễn Xuân Sơn bị HĐXX sơ thẩm tuyên án tử hình, ông ta vẫn còn 2 cơ hội để xin giảm nhẹ hình phạt - luật sư Lại Văn Doãn phân tích.

Trong tình huống xấu nhất nếu Nguyễn Xuân Sơn bị HĐXX sơ thẩm tuyên án tử hình, ông ta vẫn còn 2 cơ hội để xin giảm nhẹ hình phạt - luật sư Lại Văn Doãn phân tích.

Sáng nay (29/9), HĐXX TAND Hà Nội sẽ tuyên án Hà Văn Thắm cùng 50 đồng phạm liên quan đến đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). Bị cáo được dư luận chú ý nhiều hơn cả trong ngày xét xử cuối cùng là Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) chứ không phải người giữ vai trò "đầu vụ" Hà Văn Thắm.

Sự quan tâm hướng vào Sơn phần vì tính chất mức độ vi phạm pháp luật nghiêm trọng của bị cáo trong vụ án, phần do ông ta là người duy nhất bị VKSND Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên án tử hình.

Co hoi nao cho Nguyen Xuan Son neu bi tuyen an tu hinh hinh anh 1

Luật sư Lại Văn Doãn (Đoàn luật sư Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Về diễn biến này, ông Lại Văn Doãn (Giám đốc Công ty luật Trung Nam Thái, Đoàn luật sư Hà Nội) gửi đến Zing.vn bài phân tích "Cơ hội nào cho Nguyễn Xuân Sơn nếu bị tuyên án tử hình". Ông Doãn là một trong số những luật sư có tên tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Hà Văn Thắm.

VKS chỉ có quyền đề xuất mức án để HĐXX xét

Ngày 14/9, Nguyễn Xuân Sơn bị VKS đề nghị các mức án 16-18 năm tù tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; chung thân tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tử hình tội Tham ô tài sản. Tổng mức hình phạt, ông Sơn bị đề nghị tử hình.

Nguyễn Xuân Sơn phạm 3 tội danh, trong đó có cả mức án tù có thời hạn và mức án tử hình. Tuy nhiên, khi đề xuất tổng hình phạt VKS chỉ đề nghị mức án tử hình. Điều này được quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự về tổng hợp hình phạt. Theo đó nếu các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung, hình phạt chung không được vượt quá 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn. Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình.

Liên quan đến vụ án này, dư luận còn có những quan điểm trái chiều, trong đó cho rằng hình phạt tử hình với Nguyễn Xuân Sơn là quá nặng. Câu hỏi đặt ra, trong trường hợp nào Nguyễn Xuân Sơn có thể thoát án tử theo như mức đề nghị của VKS.

Co hoi nao cho Nguyen Xuan Son neu bi tuyen an tu hinh hinh anh 2

Bị cáo Sơn tươi cười đến tòa trong những ngày đầu xét xử. Ảnh: Việt Hùng.

Trước hết phải khẳng định chỉ có HĐXX mới có thẩm quyền quyết định hình phạt đối với người phạm tội. VKS chỉ có quyền đề xuất mức án để HĐXX xem xét. Vì vậy, trước khi HĐXX ra bản án thì không thể khẳng định Nguyễn Xuân Sơn có bị áp dụng mức án tử hình hay không.

Nguyễn Xuân Sơn bị VKS đề nghị áp dụng khung hình phạt quy định tại Khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự về tội Tham ô tài sản với mức án Tử hình. Trong khung hình phạt này quy định 3 mức: 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình.

Để đưa ra mức hình phạt, HĐXX sẽ căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ. Do đó, trước khi HĐXX ra bản án sơ thẩm thì không thể khẳng định Nguyễn Xuân Sơn bị áp dụng hình phạt nào theo quy định trên.

Cơ hội nào cho Nguyễn Xuân Sơn?

Trong trường hợp HĐXX sơ thẩm vụ án ra bản án tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình thì Nguyễn Xuân Sơn vẫn có 2 cơ hội thoát án tử.

- Khi có đơn kháng cáo và được HĐXX phúc thẩm chấp thuận giảm án.

- Trường hợp HĐXX phúc thẩm hủy án thì vụ án sẽ được xét xử lại từ đầu. Trường hợp cấp xét xử phúc thẩm giữ nguyên mức án tử hình và không có kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền thì Nguyễn Xuân Sơn vẫn còn cơ hội thứ hai. Theo đó, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Sơn viết đơn xin ân giảm gửi lên Chủ tịch nước và được Chủ tịch nước đồng ý ra quyết định ân giảm.

​Trong lời sau cùng, Nguyễn Xuân Sơn nói không thể tin được vào mắt mình khi bị cơ quan điều tra khởi tố tội tham ô. Từ đó bị cáo như người vô hồn.

Điều này được quy định tại Khoản 1 Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự:

“Điều 258. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành

Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án TAND Tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng VKSND Tối cao.

Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước”.

Để tuyên phạt bị cáo mức án tử hình, HĐXX thường cân nhắc rất kỹ lưỡng. Do vậy, để người phạm tội bị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt án tử hình được giảm xuống án chung thân hoặc tù có thời hạn thì phải xuất hiện chứng cứ mới làm thay đổi nội dung vụ án - đây là khe cửa tương đối hẹp.

Hy vọng cuối cùng là chờ được Chủ tịch nước ân giảm. Việc xét ân giảm sẽ do Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu hồ sơ trình Chủ tịch nước xem xét quyết định. 

Dù có thoát án tử hình nhưng thời gian từ khi bị tuyên án cho tới lúc được xét giảm là một khoảng thời gian tương đối dài và là "cực hình" đối với bất cứ người phạm tội nào rơi vào hoàn cảnh này.

Khoản 4, Điều 278 Bộ luật hình sự về tội Tham ô tài sản:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.


Theo Luật Sư Lại Văn Doãn (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật