Clip: Lực lượng chức năng đưa tên cướp tiệm vàng ở Lạng Sơn đi cấp cứu sau khi bị người dân vây đánh
“Sự nghiệp” của tên tướng cướp huyền thoại
Theo các tư liệu cũ, Bạch Hải Đường tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện, sinh năm 1950 trong một ngôi nhà lụp xụp ở Long Xuyên. Bỏ học khi mới đọc thông, viết thạo, Truyện sớm đã rời khỏi mái ấm gia đình để tìm cuộc sống riêng.
19 tuổi, Truyện lập gia đình và có hai đứa con trai. Lúc này hắn vẫn là một người lương thiện, sống bằng nghề chạy xe lôi chở khách và chở hàng. Nhưng cuộc sống cơ cực cùng những điều trái ngang phải chứng kiến trong xã hội đã đẩy hắn vào con đường tội phạm.
Truyện lần đầu ăn trộm vào khoảng năm 1971, khi đứa con đầu lòng ốm đau không có tiền thuốc men, với chiến lợi phẩm là một chiếc xe máy. Từ đó, hắn xây dựng băng nhóm để thực hiện hàng loạt vụ trộm cướp và trở nên nổi danh với cái tên Bạch Hải Đường.
Trong hai năm, hắn đã 50 lần đột nhập vào nhà của các cảnh sát, bác sĩ, sĩ quan quân đội, phi công, dân biểu hạ viện, quan chức Mỹ, căn cứ quân sự, kho xăng… ở khu vực thị xã Long Xuyên để khoắng nhiều tài sản có giá trị, làm “điên đầu” hệ thống cảnh sát, chính quyền Sài Gòn thời đó.
Từ những vụ trộm táo bạo mà không ai tận mắt chứng kiến, những giai thoại về hành tung bí ẩn của Bạch Hải Đường được thêu dệt, khiến tên tuổi của hắn trở thành một “huyền thoại”, đi vào nhiều cuốn sách, kịch bản điện ảnh, sân khấu cải lương.
Những mối tình sóng gió
Nếu “tài” trộm cướp của Bạch Hải Đường khiến giới giang hồ ngả mũ thán phục, thì chuyện tình duyên của tên tướng cướp khét tiếng này lại là “góc khuất” mà không phải ai cũng biết tới.
Người phụ nữ đầu tiên của Bạch Hải đường là Hồ Thị Lãnh, người đã lập gia đình với chàng thanh niên 19 tên Truyện. Tuy thương vợ thương con nhưng Truyện lại là tay ham chơi cờ bạc, bao nhiêu tiền làm ra hắn đều nướng vào những canh bạc khiến Lãnh ngao ngán. Sau một thời gian chung sống và có hai mặt con, họ đường ai lấy đi. Sau đó, Truyện dấn thân vào con đường trộm cướp.
Người đàn bà thứ hai đến với Bạch Hải đường là Nguyễn Thị Lệ (quê Sa Đéc, Đồng Tháp). Lúc đó Lệ 21 tuổi bằng tuổi với Bạch Hải Đường. Cô là người đàn bà đẹp, làm nghề buôn bán. Trong thời gian sống với nhau cả hai có với nhau một đứa con trai.
Đây cũng là mối tình đầy sóng gió đối với cuộc đời tên tướng cướp lừng danh. Trong một cơn ghen tuông mù quáng, Lệ đánh cắp khẩu súng ru-lô của Bạch Hải Đường mang nộp cho Ty Cảnh sát Long Xuyên để tố cáo chồng. Bạch Hải Đường bị vây bắt và suýt phải “xộ khám”. Hai người chia tay giữa năm 1974. Tương truyền, vì hận Lệ, trên thân thể của Bạch Hải đường có thêm một hình xăm trái tim, có lưỡi dao đâm xuyên qua rỉ máu. Viền có dòng chữ: “Thương người chung thủy, hận kẻ bạc tình”.
Người đàn bà thứ ba trong cuộc đời Bạch Hải Đường là Vũ Thị Huệ. Huệ là em gái của bạn tù tên Buôn mà Bạch Hải Đường quen biết khi còn ở sau song sắt. Ngày đó, Huệ mới 17 tuổi, rất đẹp, và Bạch Hải Đường “say như điếu đổ”. Hắn ăn ở luôn với Huệ mà chẳng cần cưới hỏi. Vì cần tiền để chiều chuộng người đẹp, Bạch Hải Đường dù đã “ở ẩn” lại quay trở về con đường đạo chích và bị bắt ở tù.
Vì nhớ người đẹp, ngày 31/8/1975, Bạch Hải Đường cầm đầu, tổ chức trốn trại cùng với hai bạn tù chung buồng. Ra trại, Bạch Hải Đường đón xe đò về thăm cô vợ trẻ ở Bạc Liêu. Nhìn cảnh gia đình vợ toàn người già yếu, cuộc sống bấp bênh, Bạch Hải Đường thương cảm nên quyết tâm kiếm tiền lo cho vợ. Nhưng đáp lại tấm lòng của tên trộm khét tiếng, người đẹp đã đi theo người đàn ông khác. Bạch Hải Đường dù yêu Huệ một cách điên dại nhưng đã quyết cắt đứt mối tình ngang trái này...
Hồi kết của Bạch Hải Đường
Sau năm 1975, Bạch Hải Đường vẫn tác oai tác quái. Hắn chỉ sa lưới sau khi bị thương trong một cuộc đọ súng với các chiến sĩ công an năm 1980.
Những vết đạn đã làm sức khỏe Bạch Hải Đường suy giảm nhanh chóng. Cộng vào đó các căn bệnh trước đây như đau dạ dày, viêm gan nay bùng phát khiến hắn không thể nào gượng nổi. Ngày 13/7/1983, tại bệnh xá của trại giam, Bạch Hải Đường đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi vào tuổi 33.
Theo Thanh Bình (Kienthuc.net.vn)