Thủ đoạn thường được các đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng là đưa ra những lời chào mời cho vay số tiền lớn nhưng thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, lãi suất thấp… trên các mạng xã hội như facebook hoặc zalo…
Đặc biệt, hiện việc cho vay tiền qua app đang diễn ra khá phổ biến. Khi vay tiền theo hình thức này, người vay không cần có tài sản thế chấp và chỉ cần tải app về là đã có thể vay được tiền.
Tuy nhiên, có khá nhiều app cho vay nặng lãi “núp bóng” tín dụng để cho vay với lãi suất cắt cổ. App sẽ yêu cầu truy cập danh bạ điện thoại và khi không trả được tiền thì người vay sẽ bị làm phiền, đe dọa, khủng bố…
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi có nhu cầu vay vốn qua app, để không bị sập bẫy “tín dụng đen”, trước tiên mỗi cá nhân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, có đầy đủ thông tin về tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, chính sách cụ thể về lãi… trên website cho vay. Tuyệt đối không vay tiền tại các app quảng cáo không rõ thông tin, trụ sở.
Bên cạnh đó, bên vay cần nghiên cứu kỹ hợp đồng vay, đặc biệt là những điều khoản về lãi suất, lãi quá hạn, thời hạn trả nợ, số tiền nợ, bồi thường thiệt hại…
Cũng theo Luật sư Thu, về lãi suất vay, Khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Trường hợp vay có lãi mà đến hạn không trả hoặc không trả đủ, bên vay phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả…
Ngoài các nội dung trên, khi vay tiền qua app, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình phòng trường hợp xảy ra tranh chấp, bên vay cần lưu giữ lại toàn bộ các chứng từ vay, thỏa thuận, bằng chứng…
Khi mức lãi suất vượt quá 20%/năm hoặc khi nghi ngờ có gian lận, lừa đảo, số tiền phải trả lớn hơn số tiền đã vay (không tính lãi)…, người vay tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng cho vay nặng lãi mà có thể gửi đơn tố cáo cùng bằng chứng, chứng cứ về việc bị cho vay nặng lãi đến cơ quan công an để yêu cầu giải quyết.
Ngoài ra, bên vay còn có thể khởi kiện ra Tòa cùng bản sao các giấy tờ, chứng cứ, tài liệu (nếu có) liên quan đến việc cho vay đến Tòa án cấp huyện nơi mình sinh sống, làm việc.
“Dù việc cho vay nặng lãi là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào mức độ, tính chất của việc cho vay, người/ tổ chức cho vay sẽ bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, song người vay vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Bởi theo Điều 466 BLDS 2015, bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ số tiền khi đến hạn” - Luật sư Thu nhấn mạnh.
Theo Khoản 1 Điều 468, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực
Như vậy, nếu bị cho vay nặng lãi thì phần lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn (20%/năm) sẽ không có hiệu lực.
Do đó, người vay vẫn phải trả lãi trong giới hạn cho phép cùng nợ gốc cho người cho vay.
Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)