Được tại ngoại mới biết cha đã qua đời
Sệt là một trong ba bị can trong vụ án “Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp” có dấu hiệu oan nhưng suốt thời gian dài cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh, TP.HCM vẫn không đình chỉ hoặc đưa ra xét xử.
Trước đó, cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh đã khởi tố, truy tố và kết án Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ tội cướp tài sản với những căn cứ kết tội hết sức mù mờ. Vì vậy, vào tháng 9-2014 TAND TP.HCM đã xử hủy bản án này. Điều tra lại, cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh dấn thêm bước nữa: khởi tố, bắt giam Sệt. Đến tháng 6-2016 thì Sệt được cho tại ngoại khi chưa lần nào ra tòa.
Hôm đó, từ trại giam Chí Hòa, Sệt đi xe ôm về nhà chị gái Ong Thị Mai ở TP.HCM. Xong bữa cơm tối sum họp, chị gái Sệt mới kể về cái chết đột ngột của cha. Suốt gần 500 ngày Sệt trong tù, chị Mai phải giấu em vì sợ tủi phận nhớ cha mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, vừa biết tin cha, ngay trong đêm Sệt vội vã trở về quê ở ấp Trà Teo, xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng.
Sau nén nhang trên bàn thờ và trước mộ cha, Sệt vào nhà ôm chầm lấy mẹ. Người phụ nữ gần 60 tuổi đã lẻ loi trong căn nhà gió lùa tứ phía, mái lợp bằng lá cũ mèm, ngửa cổ là thấy sao trời. Nền đất để hai chiếc chõng làm giường. Phía trên cao, bàn thờ ngút khói lập chưa tròn năm. Sệt vỗ về, an ủi mẹ rồi trở ra xã làm giấy tờ để mai tiếp tục lên TP làm thuê mưu sinh.
Ong Văn Sệt và mẹ trong căn nhà nghèo nàn ở ấp Trà Teo, xã Hòa Đông, Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: PHƯƠNG LOAN |
Vụ án kết thúc sẽ về sống bên mẹ
Trong căn nhà ở ấp Trà Teo, xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng, Sệt kể chuyện mình bị Công an huyện Bình Chánh về quê bắt vào trước tết Nguyên đán 2015. “Hôm ấy công an xã tới nhà kêu em lên xã có việc. Mấy người công an lạ hỏi em có tham gia vụ cướp đêm đó không. Em trả lời không thì họ nói không thì đi TP. Vậy là họ bắt em lên xe đi. Em nói không liên quan tới vụ cướp thì họ bảo cứ viết giống bản nhận tội của Uống trước đây thì được về nhà. Chị Mai của em vừa làm giấy tờ bảo lãnh xong thì họ đọc lệnh khởi tố và bắt tạm giam em…” - Sệt kể.
Nói về vụ cướp tưởng tượng, Sệt kể: “Đêm đó tụi em nhậu xong thì ra ngoài đường Trần Đại Nghĩa hóng mát. Đang đi tới đi lui thì thấy đám đông người chạy xe lao tới, có xe mở đèn pha lia lịa, có xe không. Họ đồng thanh la vang: “Bắt nó!”. Tụi em chạy tán loạn xuống đầm lầy hai bên đường. Uống bị chích điện hai lần, lúc lôi lên xụi lơ như con cá chết. Em và Đen (người làm chung với Sệt, Uống và Sỹ - PV) vào xưởng tắm rồi trò chuyện thắc mắc sao Sỹ và Uống lại bị bắt. Rồi thấy có gì đó nguy hiểm cho tính mạng, Đen về quê làm tôm thuê, còn em qua nhà anh em ở xã Phong Phú, Bình Chánh làm thuê một thời gian rồi cũng về quê. Uống kháng cáo kêu oan nên em bị bắt. Nhưng mà em không giận Uống vì em biết Uống phải làm vậy để trắng đen rõ ràng chớ không chấp nhận kêu án bằng ngày giam là xong, còn tội không có mà cứ phải gánh”.
Mấy ngày này, Sệt đi theo anh rể phụ lắp thang máy cho các công trình. Anh rể cho ăn trưa, chị gái cho ăn tối nên tiền kiếm được sáu tháng qua cũng để lại gần như toàn bộ. “Ngày kiếm được 200.000 đồng, cũng bằng đi làm hồ. Em tính vụ án kết thúc, em mang tiền dành dụm về quê sống bên mẹ cho mẹ bớt lẻ loi” - Sệt tâm sự.
Từ khi bị khởi tố đến nay, cha của Trần Văn Uống luôn bên con để chờ ngày được minh oan. Ảnh: PHƯƠNG LOAN |
Tan tác một mái ấm gia đình
Trần Văn Uống, người kiên trì kêu oan dù “được” TAND huyện Bình Chánh tuyên án tù đúng bằng thời gian tạm giam, rời quê lên TP.HCM làm thuê cho một cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi ở xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh cùng với Sệt, Sỹ và mấy người đồng hương khác. Làm ngày, làm thêm cả đêm, một tháng Uống kiếm được hơn 7 triệu đồng. Ông Trần Văn Huỳnh, cha của Uống, thất mùa tôm liên miên, nợ giăng tứ phía nên cho thuê vuông giá rẻ để lên TP làm thuê với con. Thế nhưng chưa được hai tháng thì xảy ra vụ “cướp”.
Uống nhận tội tại công an xã. Uống trình bày tại tòa rằng sở dĩ Uống phải ký nhận tội vì bị đánh đau quá, khi lên huyện thì phải giữ lời khai vì sợ.
Khi bị bắt, Uống 23 tuổi, đã có vợ và con trai hai tuổi. Sau một năm bảy tháng chín ngày tù thì Uống nghe vợ nói: “Thôi đường ai nấy đi, con em nuôi”. Những ngày tù vô cớ đã phá nát một gia đình.
Uống kháng cáo kêu oan và ở lại Bình Chánh tiếp tục làm thuê chờ xử phúc thẩm. Sau đó, TAND TP.HCM hủy án để cấp sơ thẩm điều tra lại. Suốt chuỗi ngày Công an huyện Bình Chánh điều tra lại, ông Huỳnh cũng lên TP làm thuê để bên con. Công an kêu một tiếng là ông chở con có mặt. Ông không dám cho con chạy xe, sợ lỡ có bề gì…, vì hễ thấy sắc phục công an là Uống xanh mặt. Khi có việc về quê, hai cha con lại chở nhau trên chiếc xe máy cũ suốt chặng đường gần 300 cây số…
Tôi đến nhà Uống (ở cùng ấp Trà Teo, xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng với Sệt) nhưng Uống không có ở nhà. Mẹ Uống bảo Uống đang làm thuê cho một xưởng sản xuất keo ở Bình Chánh, TP.HCM. “Ông Huỳnh cha nó cũng làm thuê trên TP để được gần con. Suốt bốn năm qua, con đâu cha đó” - mẹ Uống kể. Qua điện thoại, ông Huỳnh bảo: “Vụ án còn chưa xong thì tôi còn chưa yên tâm. Thằng Uống con tôi từ nhỏ trái ớt, trái cà của nhà người ta nó còn không dám hái…” - ông Huỳnh cương quyết.
* * *
Đã hơn hai năm qua kể từ khi TAND TP.HCM hủy án sơ thẩm mà vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử lại. “Hồ sơ vụ án thể hiện con tôi và các bạn nó bị oan rất rõ, vì thực sự chẳng có vụ cướp nào xảy ra như cáo trạng đã mô tả cả. Nó không làm gì sai quấy thì phải trả lại lý lịch trong sạch cho nó. Tôi mong cơ quan tố tụng sớm đình chỉ và minh oan cho chúng nó để tụi nhỏ còn làm ăn, xây dựng lại cuộc đời, chứ kéo dài mãi thế này ai mà chịu cho thấu” - ông Huỳnh, cha của Uống, nói.
Khởi tố, bắt thêm bị can rồi… im lặng Theo cáo trạng, đêm 5-12-2012, Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ cùng hai người làm thuê chung khác ra đường, thấy anh Phan Thanh Quyền chạy xe đến thì đuổi theo và ném cây để cướp xe. Anh Quyền tránh được, chạy báo tin rằng “đoán là cướp”, dẫn đoàn người đi bắt, sau đó viết tường trình về “vụ cướp”. Tuy nhiên, khi ra tòa, Uống và Sỹ dù được cách ly mà vẫn khai thống nhất rằng đêm đó sau khi nhậu thì Uống và hai người bạn ra ngoài hóng mát, đi tè; còn Sỹ đến giờ làm việc thì ra kêu mọi người vào lên ca. Lúc này có đám đông lao đến hô to “bắt nó, bắt nó”. Không biết chuyện gì, lại tưởng là cướp nên cả hai chạy né đi. Cả hai đều khẳng định không liên quan, không biết gì về vụ cướp mà anh Quyền đi tố giác.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Bình Chánh đã tuyên án bằng đúng ngày tạm giam (một năm bảy tháng chín ngày tù) và trả tự do cho Sỹ và Uống ngay tại tòa. Án sơ thẩm sau đó bị TAND TP.HCM hủy vì có nhiều uẩn khúc. Theo tòa phúc thẩm, vụ án được điều tra theo định hướng có tội. Lập biên bản phạm tội quả tang là để hợp thức hóa hành vi phạm tội theo lời khai của người bị hại. Ngoài lời khai có quá nhiều mâu thuẫn của người bị hại thì không có chứng cứ buộc tội khác. Cáo buộc hai bị cáo sử dụng gậy để cướp nhưng lại không thu giữ được cây nào. Đặc biệt, chiếc xe của người bị hại không bị ai chiếm đoạt nhưng công an tự thu, tự định giá rồi tự trả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi bị cáo… Khi điều tra lại, Công an huyện Bình Chánh đã về Sóc Trăng bắt Ong Văn Sệt vài ngày trước tết Nguyên đán 2015. Ban đầu Sệt bị khởi tố tội không tố giác tội phạm, sau đó thì xuất hiện các bản khai Sệt thừa nhận đã tham gia “vụ cướp” nên bị đổi sang tội danh cướp tài sản. TAND huyện Bình Chánh đã nhiều lần đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần hai nhưng đều hoãn do Sỹ không đến (vì bận đi làm mướn) và người bị hại Phan Thanh Quyền vắng mặt không lý do. VKSND huyện Bình Chánh rút hồ sơ về, thả Sệt và… im lặng cho đến nay. Người kiên quyết không nhận tội Khưu Khánh Sỹ, bị can thứ ba trong vụ án, lại là người có bản lĩnh hiếm hoi. Suốt quá trình điều tra, Sỹ khẳng định mình không liên quan đến vụ cướp. Ra tòa, Sỹ khai rằng mình bị treo lên để đánh, dù đau cũng cắn răng chịu vì không làm thì không thể nhận. Tại phiên tòa sơ thẩm, chủ tọa Trần Hữu Ngôn, Phó Chánh án TAND huyện Bình Chánh, hỏi: “Vậy sao phải chạy khi công an truy đuổi?”. Sỹ nói: “Đang đêm, đám đông lao tới, tay cầm gậy, miệng la ó, chúng tôi phải chạy cho an toàn vì biết đâu đó là đám cướp”. |