Hôm nay (9/2), trong phần thủ tục tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Sở Y tế TP Cần Thơ, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã không chấp nhận sự vắng mặt của ông Võ Thành Thống, nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.
Theo quyết định của HĐXX, ông Võ Thành Thống bị triệu tập đến phiên tòa với tư cách người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
Tuy nhiên, tại phiên xét xử sáng 9/2, nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vắng mặt và ủy quyền cho người đại diện tham gia nhưng HĐXX đã không chấp nhận.
Theo HĐXX, việc Tòa án triệu tập ông Võ Thành Thống là để HĐXX làm rõ hành vi liên quan của ông Thống với vụ án, là nghĩa vụ của cá nhân ông Thống mà không phải là quyền lợi.
Chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Phạm Lương Toản đã đề nghị người đang được ông Thống ủy quyền, chuyển lời của HĐXX, rằng ông Võ Thành Thống phải có mặt trong phiên tòa.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Thống là người đứng đầu UBND TP Cần Thơ, có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và quyết định chủ trương, bố trí vốn và quyết định đầu tư dự án. Quá trình thực hiện, ông Thống đã chỉ đạo Sở Y tế TP Cần Thơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng các sở, ban ngành lập hồ sơ, thẩm định chủ trương đầu tư, phân bổ vốn, dự toán đủ các bước đúng theo quy định.
Trong vụ án này, sai phạm trong việc xác định chi phí, thiết bị, trách nhiệm chính thuộc về các đơn vị được giao, thuê thẩm định. Quá trình chỉ đạo, phê duyệt các văn bản chưa có căn cứ xác định ông Thống có tác động đến cá nhân nào để làm sai khi thẩm định chủ trương đầu tư, dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và dự toán. Ngoài ra, chưa có căn cứ xác định ông Thống có hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, không có căn cứ xác định ông Thống có động cơ vụ lợi.
Cũng theo hồ sơ vụ án, tài liệu của cơ quan điều tra đến nay có lời khai của bị cáo Bùi Thị Lệ Phi (nguyên Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ) và Nguyễn Viết Hồng (nguyên Giám đốc khu vực Công ty NSJ), rằng bà Hoàng Thị Thúy Nga (nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ) có nhờ ông Thống tác động để bà Phi tạo điều kiện giúp công ty của bà Nga tham gia các gói thầu. Tuy nhiên, bà Nga và ông Thống đều không thừa nhận.
Cáo trạng cho rằng, không có căn cứ chứng minh bà Nga tác động để ông Thống làm việc với Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ và đồng ý cho đầu tư. Do vậy, hành vi của ông Thống chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Vụ án này còn liên quan đến một nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khác là ông Lê Văn Tâm. Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Tâm là người ký các quyết định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và dự toán khi dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, bố trí vốn và quyết định đầu tư, đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định.
Theo cáo trạng, đối với sai phạm trong quá trình thẩm định, trách nhiệm chính thuộc về các đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định. Quá trình duyệt, ký các văn bản, ông Tâm không thông đồng hoặc bị ai tác động, không được hưởng lợi ích vật chất gì. Do vậy, hành vi của ông Tâm chưa có căn cứ để xử lý hình sự.
Tại phiên tòa, HĐXX cũng triệu tập ông Tâm với tư cách "người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan". Tại phiên tòa sáng 9/2, HĐXX cho biết, nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm có đơn xin vắng mặt.
Đến đầu giờ chiều nay (9/2), đại diện Viện Kiểm sát vẫn đang công bố cáo trạng. Theo nội dung cáo trạng, từ năm 2017 đến 2019, Sở Y tế TP Cần Thơ làm chủ đầu tư 4 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ (3 gói thầu) và Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ (1 gói thầu).
Bà Hoàng Thị Thúy Nga thành lập nhiều công ty hoạt động về lĩnh vực giáo dục và y tế, trong đó có NSJ Group, Công ty NSJ, Công ty Bình An. Bà Nga đã chủ động gặp ông Võ Thành Thống để xin cho đấu thầu thuận lợi. Ông Thống đã giới thiệu bà Nga gặp lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ và được tạo mọi điều kiện để công ty trúng thầu.
Bà Phi là đại diện chủ đầu tư ký trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, bố trí vốn cho 4 gói thầu. Bà Phi ký các quyết định chỉ định thầu thuê tư vấn thẩm định giá và chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu.
Ngoài ra, bà Phi còn trao đổi, bàn bạc với bà Nga, thống nhất về danh mục hàng hóa đầu tư, giá trị thiết bị để tạo điều kiện cho Công ty NSJ và Bình An trúng 4 gói thầu.
Bà Phi cũng chỉ đạo cấp dưới trao đổi, tiếp nhận tài liệu, hồ sơ kỹ thuật, báo giá do công ty của bà Nga cung cấp. Từ hồ sơ được "tuồn" trước này, Sở Y tế TP Cần Thơ cùng với Công ty BTC Value đã thẩm định trái quy định pháp luật nhằm mục đích giúp NSJ, Bình An trúng 4 gói thầu.
Bà Phi có vai trò chủ mưu cầm đầu và có yếu tố vụ lợi trong vụ án này, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 33 tỷ đồng, bà Phi đã nhận 3 tỷ đồng cho cá nhân mình và 200 triệu đồng cho Sở Y tế TP Cần Thơ từ bà Nga.
Ông Cao Minh Chu (thời điểm xảy ra vụ án là phó Giám đốc Sở Y tế), cùng với bà Phi đã có hành vi bàn bạc với bà Nga để tạo điều kiện cho công ty của bà Nga trúng thầu.
Ông Chu đã nhận 200 triệu đồng của Công ty NSJ nhưng không chứng minh được việc sử dụng số tiền này nên ông phải chịu trách nhiệm.
Theo Tân Châu (Tiền Phong)