“Trời ơi là trời! Tôi đã làm hết cách để thúc đẩy chủ tịch UBND huyện, UBND huyện Phú Quốc thi hành bản án hành chính của nhà tôi.
Tôi lên huyện, lên tỉnh không biết bao nhiêu lần, tốn bao nhiêu là tiền, mất bao thời gian nhưng họ cứ lặng như tờ.
Tôi chỉ còn biết đập đất kêu trời!” - ông Nguyễn Văn Thương, con rể đương sự Trần Văn Bảy ở xã Dương Tơ (huyện Phú Quốc, Kiên Giang), tức giận kể với chúng tôi.
Không chỉ gặp ông Thương, chúng tôi còn gặp nhiều người khác là người được thi hành án (THA) mà chủ tịch huyện, UBND huyện Phú Quốc là bên phải THA và họ cũng đều có chung một nỗi bức xúc tương tự.
Tồn đọng 16 bản án hành chính
Để tìm hiểu, cuối tháng 4, chúng tôi đã liên hệ Cục THA dân sự tỉnh Kiên Giang.
Thời điểm tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vũ (Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự tỉnh) cũng đang soạn công văn gửi chủ tịch UBND huyện Phú Quốc để nhắc nhở việc thi hành 16 bản án hành chính.
Ông Vũ nói đã gửi công văn nhắc nhở cho chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nhiều lần nhưng không thấy phản hồi gì cả.
Trong công văn này, Cục THA dân sự tỉnh nêu rõ: “Qua rà soát từ ngày 21-9-2017 đến nay, Cục THA dân sự tỉnh Kiên Giang còn tồn đọng 16 việc đang tổ chức theo dõi THA hành chính.
Cục đã ban hành các thông báo về việc tự nguyện THA hành chính đúng theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản trả lời nào về kết quả THA hành chính của người phải THA hành chính là UBND huyện Phú Quốc, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang”.
Công văn này cũng nêu rõ: “Đề nghị ủy ban, chủ tịch huyện Phú Quốc khẩn trương trả lời đối với 16 vụ việc nêu trên.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, nếu ủy ban huyện, chủ tịch huyện Phú Quốc không phản hồi, Cục THA dân sự tỉnh Kiên Giang sẽ có văn bản kiến nghị đến cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải THA không chấp hành nội dung bản án, quyết định của tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.
Trưa 4-5, qua điện thoại, ông Vũ xác nhận vẫn chưa nhận được phản hồi từ chủ tịch huyện, UBND huyện Phú Quốc .
Ông Vũ cũng thông tin thêm phía tòa án vừa ra các quyết định buộc chủ tịch huyện, UBND huyện Phú Quốc phải THA các bản án hành chính nói trên.
Huyện im lặng, người dân phẫn nộ
Để tìm hiểu lý do vì sao ủy ban và người đứng đầu chậm THA, chúng tôi đã đến UBND huyện Phú Quốc liên hệ và được cán bộ nơi đây đề nghị ghi rõ nội dung gửi lại trước.
Chúng tôi đã làm theo yêu cầu này nhưng đến nay vẫn không nhận được cái hẹn hoặc văn bản trả lời nào, dù đã ba lần đến trực tiếp gặp văn phòng ủy ban.
Trong khi đó, người dân địa phương - những người được THA hành chính thì ngày càng bức xúc vì phải đợi chờ trong vô vọng.
Ông Phạm Văn Thường (ngụ ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ) giận dữ: “Đất đai, vườn tược của tôi đã tan hoang hết cả.
Huyện đã làm sai với chúng tôi, thiệt hại chục tỉ đồng mà nay tôi đã đòi được lẽ công bằng, được tòa tuyên thắng kiện thì chủ tịch huyện cứ lặng thinh”.
Ông Thường được TAND tỉnh Kiên Giang tuyên thắng kiện chủ tịch huyện Phú Quốc, buộc huyện phải trả lại gần 5.000 m2 đất từ tháng 10-2016.
Tháng 7-2017, Chi cục THA dân sự huyện Phú Quốc đã tiến hành các hoạt động THA theo đơn đề nghị của ông Thường nhưng đến nay bản án vẫn chưa được thi hành đầy đủ.
Tương tự, từ tháng 9-2017, tòa tuyên buộc UBND huyện Phú Quốc phải thực hiện quy trình cấp quyền sử dụng đất với diện tích hơn 3.160 m2 cho ông Trần Văn Bảy (ngụ ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ).
Nhưng đến nay ông Bảy vẫn chưa được THA dù đã nỗ lực gõ cửa cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang bằng nhiều cách, nhiều lần, tốn nhiều tiền của.
“Gia đình đã quá nhiều lao khổ vì cái chuyện chây ỳ THA của huyện Phú Quốc, hết biết phải làm sao họ mới chịu THA” - ông Nguyễn Văn Thương (con rể ông Bảy) bức xúc nói.
Không THA hành chính có thể bị khởi tố
Luật Tố tụng hành chính 2015 và Nghị định số 71/2016 của Chính phủ (có hiệu lực từ 1-7-2016) quy định rõ về việc xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án.
Theo đó, người có trách nhiệm THA hành chính mà không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ bản án thì tùy trường hợp mà có thể bị xử lý như sau: Xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc); xử phạt hành chính; truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Riêng về việc xử lý hình sự, Nghị định 71/2016 cũng quy định rõ người đứng đầu, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA, cơ quan THA dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về THA hành chính tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong THA hành chính.
Theo Trần Vũ (Pháp Luật TPHCM)