Video: Nước mắt rơi tại phiên xét xử bảo mẫu Mầm Xanh ở Sài Gòn
Chiều 25/7, TAND quận 12 (TP HCM) tuyên án đối với 3 bảo mẫu có hành vi sử dụng tay chân và nhiều đồ vật hành hạ dã man nhiều em nhỏ tại cơ sở mầm non Mầm Xanh.
Theo đó, bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh (44 tuổi, chủ cơ sở Mầm Xanh) lãnh 3 năm tù, Nguyễn Thị Đào (24 tuổi, quê Đồng Nai) lãnh 2 năm tù (cho hưởng án treo) và Phạm Như Huỳnh (22 tuổi, quê Cà Mau) 1 năm 6 tháng tù (cho hưởng án treo) cùng về tội "Hành hạ người khác".
Tại phiên tòa, bà Linh bật khóc thừa nhận có thực hiện những hành vi bạo hành các cháu nhỏ được gửi tại cơ sở mầm non Mầm Xanh. Chủ cơ sở còn khai tuyển dụng thêm 2 bảo mẫu phụ giúp dù họ không được đào tạo chuyên môn, có người chưa đủ tuổi lao động.
Bình tĩnh hơn bà chủ, 2 bị cáo Đào và Huỳnh đều thừa nhận có tham gia đánh các cháu nhỏ theo yêu cầu của chủ. Trong đó, bị cáo Huỳnh khi làm việc chưa đủ 18 tuổi, còn bị cáo Đào nhận thấy hành vi đánh đập các cháu dã man nên đã xin nghỉ việc.
Được nói lời sau cùng, bà Linh nhiều lần khóc nghẹn trình bày: "Đôi khi trong công việc và cuộc sống có những áp lực khiến bị cáo mất tự chủ, có những hành vi ảnh hưởng xấu đến các con trẻ. Bị cáo biết mình đã sai".
Ngập ngừng trong giây lát, bị cáo Linh xin chủ tọa được quay lại phía đai diện các bị hại để xin lỗi và mong được tha thứ: "Cho bị cáo được ngàn lần xin lỗi, bản thân bị cáo chỉ muốn các bé được ngoan hơn. Những ngày trong lao tù, bị cáo rất nhục nhã. Bị cáo đau đớn sống không bằng chết về hành vi phạm tội của mình. Mong xã hội và gia đình bị hại có cái nhìn bao dung độ lượng cho bị cáo".
Trong khi đó, hai bị cáo Đào và Huỳnh đều cho rằng bản thân có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Đào mang thai trong quá trình làm việc mới sinh 2 con nhỏ hồi tháng 5. Còn Huỳnh là người chưa thành niên, nhà nghèo nên "chỉ học đến lớp 5 rồi nghỉ để đi làm công nhân may mặc", lúc phạm tội chưa đủ thành niên.
Các bị cáo đều xin được pháp luật khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để có thể sớm làm lại cuộc đời. "Bị cáo biết mình đã sai. Bị cáo biết áp lực vì những đồng lương nuôi gia đình nên buộc phải làm theo lệnh của chủ. Bị cáo ý thức được đó là điều sai trái nên tự xin nghỉ việc. Bị cáo còn nuôi 2 con nhỏ, xin được tòa xem xét", Đào thút thít nói lời sau cùng.
Sau khi nghe phần luận tội đối các bị cáo, nhiều đại diện bị hại tỏ ra bức xúc cho rằng khung hình phạt nói trên là quá nhẹ, đề nghị tòa xử nghiêm khắc.
Đại diện các bị hại bức xúc: "Hành vi của các bảo mẫu là quá dã man, đề nghị HĐXX xem xét xử thích đáng. Không thế lấy lý do hoàn cảnh để giảm nhẹ cho các bị cáo. Chúng tôi làm công nhân còn hoàn cảnh hơn, nhận lương chỉ 4-5 triệu".
Bảo vệ quyền lợi cho 13 bị hại, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP HCM) đề nghị HĐXX áp dụng mức án cao nhất đối với các bị cáo bởi họ đã xâm phạm thân thể, gây sang chấn tâm lý lâu dài cho các cháu bé.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh đóng vai trò chủ mưu, tham gia thực hiện bạo hành nhiều cháu bé với hành vi dã man với dao và nhiều đồ vật. Việc này xảy ra nhiều lần đối với nhiều trẻ em trong một thời gian dài gây bức xúc dư luận.
Chủ cơ sở này còn chỉ đạo 2 bảo mẫu khác đánh các cháu bé: "Nếu các cháu bé nào hư, phải đánh để các cháu nghe lời". Ngoài ra, theo quy định cơ sở Mầm Xanh chỉ được giữ trẻ 3-6 tuổi, việc nhận trẻ dưới 3 tuổi là vi phạm pháp luật.
Theo HĐXX, 2 bị cáo Nguyễn Thị Đào và Phạm Như Huỳnh đóng vai trò đồng phạm với mức độ nhẹ hơn, thực hiện bạo hành các cháu bé theo lệnh bà chủ. Trong đó, bị cáo Đào đã ý thức được điều này là sai trái nên đã xin nghỉ việc. Bị cáo Huỳnh chưa đủ 18 tuổi khi làm việc tại cơ sở, là lao động chính trong gia đình.
Theo cáo trạng, cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12) do bà Phạm Thị Mỹ Linh làm chủ, nhận chăm sóc khoảng hơn 30 trẻ, đa số là con em của các công nhân.
Sau đó, do số lượng trẻ quá đông, bà Linh thuê thêm 2 bảo mẫu là Nguyễn Thị Đào và Phạm Như Huỳnh để chăm sóc các bé. Trong thời gian làm việc tại đây, chủ cơ sở và các bảo mẫu đã này có hành vi hành hạ các cháu nhỏ. Sự việc đã được báo chí vào cuộc, quay clip và gửi đơn tố cáo đến các công an.
Tại cơ quan chức năng, các bảo mẫu khai đã đánh, đạp vào người, lấy can nhựa đập lên đầu, dùng dao gõ vào đầu, dùng vá đánh vào bụng hoặc phạt bằng cách cho đội chồng ghế nhựa lên đầu...
Trong một thời gian dài, các bảo mẫu đã hành hạ rất nhiều cháu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Kết luận điều tra xác định có đến 24 trẻ bị hành hạ.
Sau đó, Công an quận 12 đã đề nghị truy tố Phạm Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Đào về tội "Hành hạ người khác". Hồi tháng 4, vụ án từng được đưa ra xét nhưng tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đề nghị truy tố thêm bảo mẫu Phạm Như Huỳnh.
Sau khi điều tra lại, Công an quận 12 đã ra quyết định khởi tố thêm cô này, quyết định được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Theo Bảo Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)