Chỉ trong khoảng hơn một năm, với hình thức kinh doanh đa cấp, Giang và Thủy cùng đồng phạm đã "hút" được hàng ngàn tỷ đồng vào tài khoản sau đó "xù"...
|
Những câu chuyện cảnh báo sinh viên trước bẫy đa cấp biến tướng trên page "Tẩy chay đa cấp lừa đảo". |
Được biết, từ đầu năm 2014 đến tháng 7-2015, với hình thức kinh doanh đa cấp, Giang và Thủy cùng đồng phạm đã "hút" được hàng ngàn tỷ đồng vào tài khoản của Giang. Mới đầu, những người trong hệ thống kinh doanh đa cấp với Giang được nhận tiền hoa hồng. Nhưng tới tháng 9-2015, không thấy được tiếp tục trả tiền nên các bị hại đã đến Chi nhánh Công ty Liên kết Việt tại Hải Phòng và trụ sở Công ty tại Hà Nội để đòi tiền thì phát hiện công ty không còn hoạt động nữa.
Nhiều bị hại đã phải trình báo với cơ quan chức năng; cơ quan thông tin đại chúng cũng đã phanh phui những sai phạm của Công ty Liên kết Việt. Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã vào cuộc, tiến hành xác minh tại ngân hàng, thì số dư trên tài khoản của Giang chỉ còn hơn 45,5 tỷ đồng…
Hai sản phẩm của công ty Liên kết Việt in tem nhãn và logo mạo danh sản phẩm của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Công ty Thanh Hà, Bộ Quốc phòng. Ảnh An Ninh Thủ Đô. |
NPP mua càng nhiều mã hàng hoặc giới thiệu được càng nhiều người tham gia nộp tiền vào công ty thì được nhận tiền hoa hồng càng cao. Nếu bỏ ra 8,6 triệu đồng, chỉ sau 5 năm sẽ được hưởng 449 triệu đồng tiền hoa hồng, lãi, thưởng. Nếu mời thêm một người tham gia, Công ty sẽ trả hoa hồng 8%, mời càng nhiều người tham gia, số tiền hoa hồng càng lớn hơn…
Song, mặc dù bỏ tiền mua mã hàng, nhưng những người mua hàng lại không được nhận hàng, vì theo qui ước của công ty, nếu nhận hàng thì sẽ bị giảm số tiền hoa hồng. Như vậy, Giang cũng chẳng phải bỏ tiền ra mua hàng mà chỉ ngồi thu tiền về…
Để thu hút nhiều người tin và tham gia vào hoạt động kinh doanh đa cấp, ban đầu Giang đã ký hợp đồng thuê Nguyễn Thị Thủy là trưởng nhóm "Quản lý, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp" nhằm phát triển hệ thống, khuyếch trương một cách rất bài bản.
Chỉ từ tháng 6-2014 đến tháng 7-2015, nhóm của Thủy đã phát triển được 21 chi nhánh tại 19 tỉnh, thành phố; lôi kéo được hơn 45 ngàn người tham gia mua các mã hàng ảo để tích điểm thưởng; thu được số tiền ước tính khoảng 1.900 tỷ đồng. Một trong những "chiêu trò" là trích thưởng rất cao bằng các chương trình thi đua thưởng nhà, thưởng xe ôtô, lấy tiền của người nộp sau trả cho người nộp tiền trước; chi hoa hồng lên tới 65% (trong khi qui định của Nhà nước chỉ chi 40%).
Thấy Thủy làm được việc, Giang ký quyết định bổ nhiệm Thủy làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Liên kết Việt. Được đà, Thủy tiến hành tuyên truyền quảng cáo, thuyết trình rầm rộ hơn. Giang và Thủy đã dựng “kịch bản” để mạo danh Công ty Liên kết Việt là Công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng; tổ chức hoành tráng sự kiện đón Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; treo nhiều ảnh lãnh đạo Công ty Liên kết Việt mặc trang phục quân đội chụp hình với một số đồng chí lãnh đạo cao cấp.
Tuy nhiên, sau này, Cơ quan chức năng đã xác định ảnh và Bằng khen mà Công ty Liên kết Việt đón là giả, vì theo hồ sơ lưu trữ tại Ban thi đua khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ không cấp bằng khen cho Công ty Liên kết Việt.
Đối với 2 sản phẩm mà Công ty Liên kết Việt kinh doanh, gồm máy vật lý trị liệu GREAT-12 in tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và máy khử độc Ozone (G13) dán mác đơn vị sản xuất lắp ráp là Công ty BQP hợp tác với Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng. Nhưng thực tế Bệnh viện 108 và Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng không hợp tác, liên doanh liên kết, nghiên cứu khoa học gì với Công ty Liên kết Việt…
Như vậy, ngoài hành vi lừa đảo, Giang, Thủy và đồng phạm còn có dấu hiệu của tội "Sản xuất hàng giả" và "Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức…".
Theo Đào Minh Khoa (CAND Online)