Chịu thua những giám đốc 'điên hợp pháp'?

07/11/2024 14:41:41

Cần thiết phải có một hệ thống pháp lý vừa nhân văn vừa công bằng, nhằm ngăn chặn việc lợi dụng kết luận giám định tâm thần

Mới đây, Cơ quan CSĐT, Công an TP HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 9 bị can trong vụ án lừa đảo bất động sản, chiếm đoạt hơn 834 tỉ đồng của hàng trăm khách hàng.

"Lá chắn" pháp lý hay bệnh lý?

Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy Trần Thị Mỹ Hiền, nguyên giám đốc Công ty TNHH Đất Vàng Hoàng Gia, là chủ mưu, nhưng bà này đã xuất trình kết luận giám định pháp y năm 2016 từ Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, xác nhận bị tâm thần. Ngày 11-7-2016, TAND quận 1 xác định bà Hiền mất năng lực hành vi dân sự.

Thế nhưng, theo hồ sơ vụ án, vào năm 2017, trong thời gian được cho là đang bị bệnh tâm thần, bà Hiền đã mua lại Công ty Đất Vàng Hoàng Gia và làm giám đốc công ty này. Tiếp đó, bà Hiền thành lập Công ty Hoàng Kim Land. Trong 2 năm tiếp theo, bà Hiền đã thực hiện nhiều giao dịch đất đai, lừa hàng trăm khách hàng.

Để bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, Cơ quan CSĐT, Công an TP HCM đã thực hiện nhiều giám định. Kết quả từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cho thấy bà Hiền mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trong thời gian từ tháng 5-2017 đến tháng 6-2019. Trong khi, Viện Pháp y tâm thần Trung ương (Hà Nội) chỉ ra rằng trong thời gian gây án, bệnh của bà Hiền ở giai đoạn thuyên giảm; còn trong giai đoạn giám định, bà Hiền mất khả năng nhận thức. Bệnh án từ Bệnh viện Tâm thần TP HCM ghi nhận bà Hiền chỉ bị trầm cảm trung bình. Ngày 16-3-2024, bà Hiền đã trốn khỏi Viện Pháp y tâm thần Biên Hòa trong thời gian điều trị bắt buộc.

Ngày 18-9-2024, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã phúc đáp Cơ quan CSĐT khẳng định bà Hiền cần tiếp tục điều trị bắt buộc. Từ cơ sở này, Cơ quan CSĐT và VKSND TP HCM đã đình chỉ điều tra, không khởi tố bà Hiền.

Ngày 14-10, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm dừng phiên xét xử Trần Ngọc Nam, cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Đại Nam, bị truy tố tội "Đưa hối lộ", để trưng cầu giám định tâm thần sau khi người này bất ngờ xuất trình bằng chứng về tình trạng tâm thần. Trước đó, ông Nam đã nộp giấy xác nhận triệu chứng ảo giác âm thanh từ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 8-2023.

Theo quy định của pháp luật, những người mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nguyên tắc này thể hiện tính nhân văn của pháp luật nhưng cũng mở ra nguy cơ bị lạm dụng để trốn tránh trách nhiệm pháp lý. Trong các vụ án nghiêm trọng gần đây, giám định tâm thần của một số bị can, bị cáo gây tranh cãi, đặc biệt là khi những đối tượng chủ mưu.

Chịu thua những giám đốc 'điên hợp pháp'?
Bà Trần Thị Mỹ Hiền, nguyên giám đốc Công ty TNHH Đất Vàng Hoàng Gia, trong một lần gặp khách hàng Ảnh: Công an cung cấp

Bịt "kẽ hở"

Luật sư Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty Luật SureLaw, nhấn mạnh kết luận giám định pháp y tâm thần là nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, việc giám định phải bảo đảm tính khách quan, trung thực và tuân thủ đúng quy trình theo Luật Giám định tư pháp và Thông tư 23/2019/TT-BYT. Giám định viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt quy định tại Thông tư 11/2022/TT-BYT về việc bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên pháp y tâm thần. Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định, đồng thời yêu cầu họ chịu trách nhiệm hình sự nếu cố tình kết luận gian dối. Hành vi làm sai lệch kết quả giám định có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 382 Bộ Luật Hình sự. Người mua chuộc hoặc cưỡng ép người giám định cũng có thể bị xử lý hình sự theo điều 384.

Luật sư Thanh nhấn mạnh rằng, để bịt kín các kẽ hở liên quan đến người mắc bệnh tâm thần trong pháp luật, yếu tố con người trong việc thực thi pháp luật đóng vai trò quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc ban hành quy định. Dù pháp luật đã rõ ràng, tình trạng "điên hợp pháp" vẫn diễn ra do việc áp dụng không đúng quy định. Do đó, cần có các biện pháp như tuyên truyền và đào tạo giám định viên để người thực thi tuân thủ nghiêm ngặt quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giám định nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác, nâng cao mức xử lý đối với các vi phạm trong quá trình giám định.

ThS Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường Đại học Kinh tế - Luật, cho hay một người đang điều trị bệnh tâm thần không đồng nghĩa mất đi năng lực hành vi dân sự. Căn cứ điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015, khi và chỉ khi có quyết định của tòa án, người đó mới bị xem là mất năng lực hành vi dân sự và cũng kể từ đó, họ mới bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp được thành lập bởi người không đủ điều kiện thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký và phải thanh toán nợ để hoàn tất thủ tục giải thể. Đối với các hợp đồng, giao dịch đã giao kết trước đó, doanh nghiệp không được tự ý chấm dứt; trường hợp không thể thực hiện được do giải thể thì phải chịu các trách nhiệm như bồi thường thiệt hại, bị phạt vi phạm theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký. Theo khoản 2 điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì người quản lý có liên quan và doanh nghiệp trong trường hợp này phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong trường hợp người quản lý này bị mất năng lực hành vi dân sự cũng không làm mất đi trách nhiệm bồi thường thiệt hại của họ.

"Theo khoản 3 điều 586 Bộ Luật Dân sự 2015 thì người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường" - ThS Thảo nói. 

Theo Ý Linh (Nld.com.vn)

Nổi bật