Chiều 25-9, tại trụ sở Phòng CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03, Công an TP.HCM), nhiều người dân vẫn tiếp tục đến trình báo, tố giác việc bị Công ty CP Địa ốc Alibaba lừa đảo. Hiện đã có hơn 900 cá nhân tố giác với tổng số tiền họ bị chiếm đoạt lên tới hơn 500 tỉ đồng.
Thu tiền thật từ dự án ma
Trước đó, ngày 24-9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam trong thời hạn bốn tháng đối với Nguyễn Thái Luyện, chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty CP Địa ốc Alibaba, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tất cả quyết định và lệnh nêu trên đều được VKSND TP.HCM phê chuẩn.
Theo Công an TP.HCM, Nguyễn Thái Luyện với vai trò là chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba đã chỉ đạo và cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh (đã bị bắt tạm giam) thành lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên có quy mô hơn 2.600 nhân viên. Sau đó họ thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha, giao cho các cá nhân là người thân đứng tên, tự vẽ ra trên 40 dự án không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận. Việc tiếp theo là tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để bán cho các khách hàng.
Đáng nói đây là những dự án chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hay cấp phép cho làm dự án. Thế nhưng tính đến ngày 30-6, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng.
Trong diễn biến liên quan, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM triệu tập, lấy lời khai ông Nguyễn Thái Lực (một người em trai nữa của Nguyễn Thái Luyện) để làm rõ nhiều vấn đề liên quan. Ông Lực là tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại địa ốc Xanh (trụ sở tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) và Công ty CP Địa ốc Long Thành Ali (trụ sở tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai). Hai công ty này được cho là đang thực hiện rất nhiều dự án tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Qua kiểm tra, công an xác định ông Lực có đứng tên nhiều giấy tờ đất và có vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các chi nhánh Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Xử lý việc tiêu hủy tài liệu, tẩu tán tài sản
Ngoài ông Lực, Công an TP.HCM cũng phối hợp với công an các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận lần lượt triệu tập hàng chục giám đốc công ty con của Tập đoàn Địa ốc Alibaba và tiến hành xác minh giao dịch của các công ty này.
Công an đã ra thông báo đề nghị người dân là khách hàng ký hợp đồng mua nền đất; các bị hại bị Công ty Alibaba thu tiền, chiếm đoạt tài sản liên hệ Phòng 15, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an (địa chỉ ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) hoặc Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (phường 14, quận 10, TP.HCM) hay công an quận, huyện nơi cư trú nộp đơn tố giác tội phạm. Cùng với đó là cung cấp thông tin liên quan để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
“Người dân tuyệt đối không được tiếp tục giao dịch mua bán đất nền tại các dự án của Công ty Alibaba để tránh bị lừa đảo” - Công an TP.HCM lưu ý. Cơ quan này cũng kêu gọi các cá nhân là nhân viên của Công ty Alibaba hoặc có liên quan tự nguyện hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng cho cơ quan điều tra. Mọi hành vi che giấu, tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng để tiêu hủy tài liệu, tẩu tán tài sản… sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Công an, chỉ riêng tại Bình Thuận, tổng cộng hai dự án của Alibaba ở các xã Thắng Hải, Tân Phúc (huyện Hàm Tân) có tất cả 46 thửa đất với tổng diện tích 2.062.794 m2.
Theo Nguyễn Tân (Pháp Luật TP.HCM)