Đại tá Phạm Văn Trực, trưởng Công an huyện Vân Hồ (Sơn La), chỉ tay lên bản đồ huyện Vân Hồ và các vùng giáp ranh, nói Hang Kia, Pà Cò đến Lóng Luông chỉ có 1 con đường độc đạo sang Lào.
Đây chính là con đường ma túy khét tiếng với những vụ án vận chuyển hàng trăm bánh heroin như vụ Tàng Keang Nam.
Chỉ cần gặp người lạ, không phải là người dân trong vùng là họ xả súng. Nếu không cẩn thận, mất mạng như chơi
Anh CÀ VĂN NGHĨA (công an huyện Vân Hồ)
Con đường độc đạo
Đại tá Trực nói về con đường độc đạo mà các đối tượng buôn bán ma túy đã sử dụng để vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam, đó chính là con đường của Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) sang Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La).
Do là đường độc đạo, địa hình hiểm trở nên các đối tượng buôn bán ma túy thuê người dân địa phương vận chuyển ma túy bằng đường bộ từ Lào về Việt Nam. Sau đó, từ Lóng Luông hoặc từ Hang Kia hàng sẽ được chia nhỏ mang về miền xuôi tiêu thụ.
"Việc lập chuyên án để vây bắt các đối tượng này trên đường vận chuyển rất vất vả, khó khăn bởi địa hình phức tạp, tất cả những người vận chuyển đều được trang bị súng và lựu đạn. Sơ sểnh là có thể bị tấn công ngay lập tức" - đại tá Trực nói.
Theo đại tá Trực, "vùng" ma túy Lóng Luông (với 2 bản Lũng Xá - Tà Dê) được hình thành chưa lâu, khi các vùng ma túy khác ở Điện Biên bị triệt hạ.
Những người buôn bán ma túy đã nhằm vào những người dân tộc Mông ở 2 tỉnh này để mua chuộc họ trở thành những người vận chuyển và tàng trữ ma túy.
Dần dần, một số người từ vận chuyển trót lọt mà có tiền lại trở thành người buôn bán, tàng trữ ma túy ngay trong nhà mình.
Ông Trực cho biết: "Người Mông ở đây phần lớn sống bằng nông nghiệp, không kinh doanh buôn bán gì mà có những hộ gia đình giàu lên trông thấy, xây nhà sắm xe. Như vậy là giàu có bất minh và phần lớn có liên quan đến ma túy.
Nhưng bắt được họ không dễ. Thậm chí có những vụ phải trinh sát cả năm trời mới tìm ra manh mối".
Để bảo vệ hàng, mỗi người mang 20 bánh heroin sẽ được phát 1 cây súng và 2 quả lựu đạn.
"Chỉ cần gặp người lạ, không phải là người dân trong vùng là họ xả súng. Nếu không cẩn thận, mất mạng như chơi" - anh Cà Văn Nghĩa, công an huyện Vân Hồ, cho biết.
Biết mà không vào được!
Hơn 50 đối tượng đang bị truy nã ở Lóng Luông đều nằm trong những đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy mà công an các tỉnh thành trong cả nước đã phát lệnh truy nã.
Họ có thể chính là những người bán ma túy hoặc là người vận chuyển, sau khi có lệnh truy nã gửi về địa phương thì họ lẩn trốn trên rừng, và sống bằng sự bao bọc của những người thân hoặc những người có quan hệ dây mơ rễ má.
Hỏi tại sao đưa ma túy vào Việt Nam chỉ có con đường độc đạo từ Lào sang, mà việc đưa ma túy phân phối trong nội địa lại không thể kiểm soát được, anh Lò Văn Đạt, công an huyện Vân Hồ, nói rằng đây là một địa bàn quá rộng và quá phức tạp.
Hơn nữa, một số bản ở Lóng Luông, trừ cán bộ địa phương có thể vào được đến bản, còn người lạ không thể nào tiếp cận.
Ông Sùng A Thào, người đã có 27 năm là trưởng công an xã ở Lóng Luông, bảo ông dư biết nhà nào có dính dáng đến ma túy nhưng không thể biết lúc nào họ tàng trữ trong nhà. Và nếu có nghi ngờ cũng không có cách gì xác minh được.
Ông Thào cho biết hiện Lóng Luông có 3 bản có nhiều đối tượng đang bị truy nã.
Ông nói: "Đến mình đi vào làng cũng không dám mặc bộ quần áo công an xã, chỉ dám mặc đồ bình thường thôi. Mình vào nói chuyện với họ thì không sao, nhưng nếu mặc đồ công an hoặc dẫn người lạ vào là họ nổ súng. Nổ súng nhiều lần lắm rồi".
Ông Thào còn kể thêm đã có lần chính những người đồng bào của ông đã dùng súng bắn vào ông và những cán bộ công an khác, nhưng may mà chuyến đó tất cả chạy thoát được.
Liều mạng để bảo vệ hàng
Ông Phạm Văn Trực vốn là phó trưởng Công an huyện Mộc Châu, trực tiếp phụ trách về án ma túy trên địa bàn.
Sau này, một phần Mộc Châu được tách ra thành huyện Vân Hồ thì ông Trực làm trưởng Công an huyện Vân Hồ. Vậy nên các hộ gia đình sống ở Lóng Luông ông thuộc như lòng bàn tay.
"Vì địa hình hiểm trở, quan hệ của người dân đều là bà con và phần lợi do ma túy mang lại lớn quá, nên nhiều người dân bất chấp tất cả để tham gia vào các đường dây. Nghèo thì họ vận chuyển.
Mỗi chuyến vận chuyển như vậy bằng đi nương rẫy cả năm trời. Khi họ vận chuyển thì sẵn sàng liều mạng để bảo vệ hàng của mình" - đại tá Trực cho biết.
Theo Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)