“Chết đứng” với nỗi oan tiếng đồn giết cháu rồi chôn xác

13/12/2015 22:48:12

Nếu “người chết” không trở về thanh minh, vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngàn không biết còn phải mang tiếng "giết cháu chôn xác" đến bao giờ.

Nếu “người chết” không trở về thanh minh, vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngàn không biết còn phải mang tiếng "giết cháu chôn xác" đến bao giờ.


Bà Ngàn thuật lại chuyện oan ức năm xưa - Ảnh: Sơn Bình

Chúng tôi trở lại tìm gia đình bà Nguyễn Thị Ngàn (72 tuổi, ngụ xã Tân Hội). Căn nhà đơn sơ vẫn còn nhiều dấu vết những lần bị người dân đập phá, đào bới để tìm xác em Nguyễn Thị Trâm - 16 tuổi, đứa cháu nuôi của ông bà.

Trải qua nhiều biến cố, hiện bà Ngàn phải chịu di chứng của bệnh tai biến, đi lại khó khăn nhưng nhắc lại nỗi oan khuất "giết người" trong vụ mất tích của đứa cháu gái nuôi, bà Ngàn vẫn nhớ rõ như in. 

Cháu mất tích, ông bà bị nghi là kẻ giết người

Bà Ngàn nhớ lại: "Bữa đó khoảng giữa năm 2009, ông nhà tui đi mần đau bụng nên tui mua thuốc đem vô ruộng. Đường đêm khó về, tui nhờ người dặn con Trâm ở nhà cửa nẻo cẩn thận nhưng rồi về thấy nó đi mất tiêu. Cả ngày sau tìm kiếm không ra nên tui báo cho công an".

Rồi nửa tháng sau, không biết người dân nơi đâu kéo đến rần rần, đập phá tan nát nhà cửa, nói vợ chồng bà dùng nón bảo hiểm đánh chết cháu Trâm rồi chôn xác sau nhà. Đó cũng là thời điểm ao nhà bà có con chó chết, bị bốc mùi hôi.

“Lúc đầu hơn chục người, sau đó cả trăm người đến quậy phá. Tui cản lại thì bị họ xô ngã, chồng con cũng bị đánh tơi tả”, bà Ngàn nói. Hàng trăm người hung hăng, dùng chỉa sắc nhọn chọc xuống đìa nước, lật tung nền nhà…

Bà nghẹn ngào: “Tụi nó chém, đập phá nhà mà còn nói rằng kiếm được xác chết con nhỏ, sẽ cho vợ chồng tui đi tù rục xương”.

Những ngày sau, lượng người kéo đến đông đến nỗi công an huyện Cai Lậy phải tham mưu lực lượng công an, cơ động tỉnh xuống can thiệp.

 Cả trăm người kéo đến đập phá, đào bới nhà bà tìm xác em Trâm - Ảnh: Thanh Tú

Trước sự manh động của nhóm người quá khích khi đánh luôn công an, gia đình bà Ngàn được vận động tạm lánh đi để tránh nguy hiểm. Riêng bà Ngàn cương quyết không đi để giữ gìn bàn thờ tổ tiên, mãi khi kiệt sức ngất xỉu, mọi người phải đưa bà đi bệnh viện chăm sóc.

Sau đó dù công an bắt giữ nhóm người quá khích, kết luận điều tra không có cơ sở xác định gia đình bà Ngàn đánh chết cháu Trâm nhưng ông bà vẫn không khỏi mang tiếng xấu.

Tại phiên tòa xét xử nhóm người gây rối trật tự công cộng, nhiều người vẫn ngoan cố cho rằng công an bao che, nói gia đình bà Ngàn không đánh chết người thì em Trâm ở đâu?

Một thời gian dài, công an tỉnh tung lực lượng liên hệ công an nhiều tỉnh thành nhiều nơi tìm kiếm nhưng tung tích Trâm vẫn mất tăm. Gia đình bà Ngàn chẳng biết làm sao bởi chỉ có Trâm xuất hiện thì mọi chuyện mới được thanh minh.

“Ra đường người ta làm ngơ, hỏi không trả lời. Đi chợ thì mọi người tụm lại chỉ chỉ trỏ trỏ: già còn tàn ác, mua chuộc công an nên che giấu tội lỗi”, bà Ngàn buồn rầu khi nhớ lại. Lúc đó, bà chỉ biết lủi thủi một mình trong nhà không dám ra đường...

Chồng bà Ngàn đi đồng mần ruộng rồi che nhà tạm sống luôn trên đồng, con trai bà cũng lên Sài Gòn sinh sống.

Cả nhà bà phải tránh né như vậy bởi nhiều đêm, một số người đi ngang nhà bà lại ném đá, ném phân thối khiến cả gia đình luôn sống trong sợ hãi. Bà Ngàn kể bà ngủ không được, mở mùng thức giấc chỉ biết đến bàn thờ tổ tiên thắp nhang khấn nguyện, mong cho Trâm sớm trở về.

Cứ thế ròng rã mấy năm không yên giấc, bà Ngàn bị tai biến liệt nửa người rồi cũng nhờ gia đình tận tâm chăm sóc, bà có thể tự chống gậy đi lại. Nhưng suốt ngày bà đóng cửa kín mít, tránh những ánh mắt sắc lạnh của người đời… 


Nhiều người đến nhà bà đập phá, đào bới để tìm xác em Trâm - Ảnh: Thanh Tú

Được giải oan khi “người chết” trở về… 

Bất ngờ đầu năm 2013, có tin Trâm trở về địa phương làm chứng minh nhân dân. Bà Ngàn nhờ người chở đến đến công an xã Tân Hội mong gặp lại Trâm. Sau bao năm mất tích, nhận ra người trở về chính là Trâm, vợ chồng bà chỉ biết rơi nước mắt.

Bà nghe Trâm thuật lại chuyện vì giận hờn người trong gia đình bà mà bỏ nhà (ngày 19-5-2009) sống lang thang, rồi bị lừa lao động không trả tiền. Không đọc báo, xem tin tức nên Trâm chẳng biết ông bà dưới quê bị hàm oan do mình gián tiếp tạo ra.

Thay vì trách cháu, vợ chồng bà Ngàn ôm Trâm khóc nức nở. Nhìn ông bà già yếu, chịu cảnh oan ức, đêm nào Trâm cũng đọc kinh cầu an, mua đồ ăn thức uống chăm sóc tận tình, mong ông bà quên đi chuyện buồn đã qua.

Bà lau nước mắt, nói từ lúc thấy Trâm về người quanh xóm mới chịu nói chuyện. Nhiều người từng tung tin dữ giờ không dám nhìn mặt gia đình bà.

Công an xã đã phải tổ chức họp dân thông báo rõ cô gái bị dư luận tung tin “bà giết cháu” chính là Trâm hiện nay. Tuy đã được minh oan nhưng sự tổn hại về vật chất, tinh thần đối với gia đình bà Ngàn suốt những năm trước không bao giờ đong đếm được.

Trâm trở về và đến công an xã làm chứng minh nhân dân năm ngày 15-2-2013 - Ảnh: Sơn Bình

Nói đến chuyện đền bù, gia đình bà Ngàn lắc đầu không muốn nhắc chuyện xưa cũng không muốn trách cháu Trâm bởi theo bà, Trâm cũng là nạn nhân.

“Lúc xảy ra chuyện, nhiều con cháu trách tui làm ơn mắc oán cho tan nhà nát cửa. Tui nghĩ có lúc hoạn nạn nhưng mọi chuyện rồi sẽ qua. Tui không sống được lâu, nhưng may mà không chết trước lúc Trâm trở về”, bà Ngàn nói.  

Bà Ngàn chống gậy lê từng bước chân vào nhà lấy ra khoe từng món quà nhỏ mà Trâm mua tặng. Bà nói hiện Trâm đã 22 tuổi, đã lập gia đình, sinh được một đứa con kháu khỉnh. Hai tháng trước, Trâm dẫn cháu trở lại thăm bà, sống cùng bà hơn mười bữa rồi trở lại nhà chồng.

Bà Ngàn còn chỉ tay nói mấy bộ bàn ghế mà của hai người tận Sài Gòn mang xuống cho gia đình. Bà nói họ từng đọc báo thấy tình cảnh gia đình nên thông cảm, đang đi làm gần nhà nên ghé qua cho bộ bàn ghế, chúc gia đình bà quên đi chuyện cũ mà vui khỏe.

Nhiều người khác còn gởi quà qua bưu điện cho gia đình, chính quyền địa phương nhiệt làm giúp giấy tờ liên quan cho bà hưởng trợ cấp hằng tháng do tuổi già sức yếu. Tất cả những ấm áp tình người như bù đắp lại đôi chút những tổn hại từ tin đồn thất thiệt của đám đông trước đó...

Theo Sơn Bình (Tuổi Trẻ)