Thay vì sang Việt Nam nhận tiền, nhiều đối tượng lừa đảo người Trung Quốc đã thuê người Việt lập tài khoản rút tiền, chuyển tiền cho chúng để dễ dàng cắt đứt liên lạc cũng như tránh bị cơ quan công an bắt giữ.
Các đối tượng trong đường dây có quan hệ gần gũi với nhau trong cùng một gia đình ở Yên Thủy, Hòa Bình |
Những cuộc điện thoại “ma”
Vụ án bắt đầu từ lá đơn trình báo của ông Trần Tiến Minh ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày 28-7, ông Minh đang ở nhà bỗng nhiên có cuộc gọi đến điện thoại cố định. Ở đầu dây bên kia là giọng nói của một phụ nữ tự xưng đang công tác ở bưu điện thành phố Hà Nội, thông báo cho ông Minh có một bưu kiện bất hợp pháp, dính dáng đến ma túy.
Tỏ thái độ lo lắng, đối tượng gợi ý ông Minh phải báo và nhờ sự can thiệp của cơ quan công an. Khi ông Minh đang băn khoăn chưa biết sự thể ra sao thì người phụ nữ này liền chuyển máy cho một đối tượng tự nhận là Khánh ở CATP Hải Phòng. Đối tượng này nói đã bắt được tên cầm đầu đường dây mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy, đồng thời động viên ông Minh không nên quá sợ hãi mà hãy làm theo các yêu cầu của mình.
Để tăng tính thuyết phục, đối tượng này đã chuyển máy cho ông Minh gặp một người tự xưng là Viện phó VKSND TP Hải Phòng. Những đối tượng này vừa động viên vừa đe dọa ông Minh phải tuyệt đối giữ bí mật vì nếu nói ra với ai câu chuyện này thì sẽ bị phạt tù. Đối tượng tự xưng “Viện phó” yêu cầu để thuận lợi cho công tác điều tra, ông Minh phải ra ngân hàng chuyển cho chúng số tiền hơn 700 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng mang tên Ngô Văn Thắng.
Và ngay sau cuộc điện thoại ấy, ông Minh đã ra ngân hàng chuyển toàn bộ hơn 700 triệu đồng tiền tiết kiệm vào tài khoản do các đối tượng yêu cầu. Sau khi mọi thủ tục ngân hàng hoàn tất, tiền đã chuyển đi, trên đường trở về nhà ông Minh mới sực tỉnh và vội vã đến CAP trình báo.
Nhận được tin báo của CAP Cửa Nam, CAQ Hoàn Kiếm đã nhanh chóng xác định 2 đối tượng là Ngô Văn Thắng (SN 1972) và Bùi Văn Diệu (SN 1974, HKTT tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) là chủ nhân của số tài khoản mà ông Minh đã chuyển tiền vào. Khi bị đưa về trụ sở CAQ Hoàn Kiếm để đấu tranh, cả 2 đối tượng này khai nhận, chiều 26-7 từ Hòa Bình xuống Hà Nội để làm việc cho Bùi Thị Tuyết.
Theo đó, Tuyết trực tiếp chỉ đạo Diệu và Thắng lập tài khoản ngân hàng và rút tiền. Cùng đi với Thắng và Diệu còn có 2 đối tượng khác là Bùi Đức Tài và Nguyễn Văn Thạo. Khẩn trương truy xét, cơ quan CSĐT CAQ Hoàn Kiếm đã đưa 2 đối tượng Tài và Thạo lúc này đang ở trong một nhà nghỉ tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm về trụ sở để phục vụ quá trình điều tra vụ án.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận tất cả mọi việc từ lập tài khoản, rút tiền, đổi từ tiền Việt sang tiền Trung Quốc được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Tuyết. Theo đó, Tuyết phân công Diệu, Thắng có nhiệm vụ mở tài khoản ngân hàng. Khi nào có tiền trong tài khoản phải nhanh chóng ra ngân hàng rút đưa cho Thạo để Thạo đi đổi sang nhân dân tệ rồi chuyển lên Lạng Sơn, từ đó tiếp tục chuyển sang Trung Quốc cho một đối tượng khác.
Từ những thông tin này, một tổ công tác của Đội CSHS đã nhanh chóng truy bắt Tuyết khi đối tượng đang trên đường từ Hà Nội lên Móng Cái, Quảng Ninh để trốn sang Trung Quốc.
Những nạn nhân mới từ bài học quá cũ
Khi đưa mắt xích quan trọng Tuyết về trụ sở để đấu tranh, các đối tượng khai chi tiết tất cả những thủ đoạn để giúp sức cho đối tượng Trương Tiểu Phong người Trung Quốc lừa đảo chiếm đoạt tiền. Ngày 26-7, đối tượng Trương Tiểu Phong nhắn tin cho Tuyết thông báo sẽ có 280 triệu đồng chuyển vào tài khoản của Bùi Đức Tài mở tại ngân hàng, người gửi là Vương Thị Trường (SN 1931, HKTT tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, Quảng Ninh).
Nhận được tin nhắn này của Trương Tiểu Phong, Tuyết và Tài đã ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền. Chiều cùng ngày, đối tượng Phong tiếp tục nhắn tin thông báo có 500 triệu đồng của bà Bùi Thị Liên (SN 1960, ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) chuyển vào tài khoản của Bùi Đức Tài. Toàn bộ số tiền này cũng đã được các đối tượng rút khỏi tài khoản ngay sau đó. Với gần 800 triệu đồng này, Tuyết đổi sang nhân dân tệ và nhờ nhân viên cửa hàng đổi tiền chuyển vào tài khoản của Trần Tiểu Phong ở Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc. Số tiền gần 60 triệu đồng còn lại Tuyết giữ lại, mang về chia cho đồng bọn gọi là tiền công.
Đến ngày 27-8, Trương Tiểu Phong tiếp tục nhắn tin cho Tuyết có 140 triệu đồng chuyển vào tài khoản của Tài. Tuyết nhắn tin cho Thạo và nói Thạo cùng Tài ra rút số tiền trên. Tài đưa cho Thạo 133 triệu đồng, giữ lại 7 triệu đồng về chia cho các đối tượng. Đến 14h39 cùng ngày, Tuyết lại nhắn tin cho Thắng và Thạo đi rút hơn 80 triệu đồng của bà Vũ Thị Huệ ở Uông Bí, Quảng Ninh chuyển vào tài khoản của Thắng.
Đến ngày 28-7, Tuyết lại thông báo có 600 triệu đồng được bà Điêu Thị Bích Thủy ở tỉnh Lâm Đồng chuyển vào tài khoản của Tài và yêu cầu Tài, Thảo đi rút. Đến chiều cùng ngày, khi 2 đối tượng đi rút 200 triệu đồng của một bị hại chuyển vào tài khoản của mình theo thông báo của Tuyết thì bị CAQ Hoàn Kiếm bắt giữ.
Tuyết cũng khai nhận, ngày 20-7 đối tượng Trần Tiểu Phong nói với Tuyết về Việt Nam tìm người mở tài khoản ngân hàng để đối tượng chuyển tiền vào tài khoản. Với mỗi lần giao dịch, Tuyết sẽ được đối tượng Trần Tiểu Phong chuyển cho 9% trên tổng số tiền. Đối tượng Trương Tiểu Phong còn nói rõ với Tuyết toàn bộ số tiền này là tiền không trong sạch nhưng Tuyết vẫn giúp Phong thực hiện hành vi để hưởng số tiền ăn chia.
Cơ quan CSĐT CAQ Hoàn Kiếm làm rõ tổng số tiền trong 7 lần rút theo thông báo của Trương Tiểu Phong, là hơn 2 tỷ đồng, trong đó các đối tượng đã chuyển thành công 5 lần với hơn 1,5 tỷ đồng. Hiện Cơ quan CSĐT CAQ Hoàn Kiếm đã phong tỏa thành công hàng trăm triệu đồng đối tượng lừa đảo được từ những bị hại trên khắp cả nước.
Theo Minh Anh (An Ninh Thủ Đô)