Ngày 20-10, TAND TP Cần Thơ đưa vụ án VDK hủy hoại tài sản ra xử phúc thẩm để xem xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo.
Sau khi xem xét, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo, chấp nhận đề nghị của đại diện VKS, chuyển hình phạt từ một năm tù thành một năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là hai năm.
Cả giận mất khôn, vướng vòng tù tội
Theo hồ sơ, anh Q trình báo lúc 6 giờ 30 ngày 25-12-2020, anh phát hiện một cây sầu riêng trước nhà bị chặt gốc, đã gãy ngang. Sau đó, anh đến vườn sầu riêng (ở địa phương khác) thì phát hiện 11 cây sầu riêng trong vườn đã bị chặt phá nên trình báo công an.
Quá trình điều tra, công an xác định người chặt 12 cây sầu riêng (có độ tuổi từ sáu tháng đến 2,5 năm) là K - anh rể của Q. Tại cơ quan điều tra, K khai nhận do vợ chồng mâu thuẫn nên vợ K bỏ về nhà mẹ (nhà anh Q). Nửa đêm 25-12-2020, sau khi nhậu xong, K nảy ra kế để hù dọa, yêu cầu vợ về tiếp tục chung sống.
Theo đó, K chuẩn bị một cây sứa bằng kim loại, rồi chạy từ nhà mình đến nhà anh Q (hai huyện khác nhau). K dùng cây sứa cưa ngang gốc cây sầu riêng ở nhà anh Q rồi đi đến vườn của anh Q cưa thêm 11 cây sầu riêng.
Theo định giá, tổng giá trị 12 cây sầu riêng là 7,35 triệu đồng; trong đó có bảy cây trồng được sáu tháng trị giá 3,15 triệu đồng, bốn cây trồng được 2,5 năm trị giá 3 triệu đồng (do ba cây còn 50% giá trị), một cây lớn nhất trị giá 1,2 triệu đồng.
Xử sơ thẩm vào tháng 6-2021, TAND quận Ô Môn xử phạt K một năm tù về tội hủy hoại tài sản và buộc K bồi thường cho em vợ 7,35 triệu đồng.
Cho hưởng án treo để chăm sóc con thơ
Tại phiên tòa phúc thẩm, K cho biết sau khi có án sơ thẩm, K đã bồi thường toàn bộ thiệt hại cho em vợ. Bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo để có điều kiện chăm sóc bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn do đến nay vợ bị cáo vẫn chưa về, các con cần người chăm sóc…
Vị đại diện VKS hỏi: “Vì sao mâu thuẫn vợ chồng không liên quan đến em vợ mà lại chặt cây của em?”. K trả lời: “Do bức xúc vợ rồi cộng thêm uống rượu nên bị cáo mất kiểm soát hành động. Sau đó, bị cáo tự thấy chuyện mình làm sai quấy nên sửa đổi, đã khắc phục hết thiệt hại và được em vợ bãi nại. Giờ bị cáo chỉ mong được án treo để ở nhà làm lụng nuôi con”.
Phát biểu quan điểm luận tội, đại diện VKS cho rằng hành vi phạm tội của K thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Hiện tại, hành vi này không còn nguy hiểm cho xã hội. K đã ăn năn, nhận thức được hành vi sai trái. K có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo nên không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội vẫn đảm bảo tính răn đe và tính khoan hồng của pháp luật.
Từ đó, vị đại diện VKS đề nghị cho K được hưởng án treo. Nói lời sau cùng, K nói rất ân hận về hành vi sai trái, xin án treo để có điều kiện chăm lo cho con.
Lo làm ăn nuôi con thôi!
Suốt phiên tòa, K ngoài việc thừa nhận hành vi trái pháp luật của mình và nguyên nhân từ mâu thuẫn vợ chồng, còn lại K chỉ nói về việc xin án treo để ở nhà nuôi con.
K đến tòa chỉn chu với áo sơmi trắng tinh bỏ ngoài, tóc vuốt keo gọn gàng. Tuy nhiên, nhìn đôi bàn tay thô và chai cứng của K thì biết K đúng là một người làm vườn như phần ghi nghề nghiệp trong lý lịch trích ngang.
Tôi hỏi K làm vườn có đủ trang trải cho năm cha con không, K nói đủ. Vườn trồng sầu riêng và mít thì mít đã cho thu hoạch. Cha mẹ để cho K gần chục công đất. Cạnh đó, các anh chị có đất không làm giao lại cho K làm, có lợi thì chia ra. Nói chung kinh tế cũng có lúc có…
Vợ chồng lấy nhau mười mấy năm, có với nhau bốn mặt con, đứa lớn đã vào lớp 11, đứa út mới năm tuổi. K nói vì muốn cho con có đủ mẹ cha nên K nhiều lần khuyên giải, gọi điện thoại bảo vợ về. Và trong một lần cả giận mất khôn mới có việc K phải ra tòa như thế này.
Tòa tuyên án xong, bước ra khỏi phòng xử, K nói giờ chỉ lo làm ăn nuôi con thôi. Tôi cũng mong rằng sau một lần va vấp lao lý, K sẽ chọn cho mình cách xử sự ôn hòa nhất và luôn là chỗ dựa cho các con mình.
Theo Nhẫn Nam (Pháp Luật TPHCM)