Như tin đã đưa, ngày 21/11, TAND Cấp cao đã tuyên hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 và số 80 của TAND tỉnh Quảng Ninh với Phan Sào Nam. Cùng với đó, quyết định giám đốc thẩm cũng tuyên Phan Sào Nam phải chấp hành bản án trở lại.
Liên quan tới vụ việc trên, có đến 9 tập thể và 29 cá nhân bị xác định sai phạm, tiêu cực bị xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm.
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã công bố quyết định kỷ luật với Ban cán sự Đảng, bí thư Ban cán sự Đảng các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025, một số ủy viên Ban cán sự Đảng, lãnh đạo và cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh vì có trách nhiệm liên quan đến quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện.
Ủy ban Kiểm tra trung ương ra thông báo thi hành kỷ luật cảnh cáo những người liên quan gồm: Hoàng Văn Tiền, tỉnh ủy viên, bí thư Ban cán sự Đảng, bí thư Đảng ủy, chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh; Phạm Thị Hương Giang, phó bí thư Đảng ủy, phó chánh án TAND tỉnh; Nguyễn Trí Chinh, phó chánh án TAND tỉnh; Nguyễn Thúy Hằng, bí thư chi bộ, chánh tòa dân sự và Nguyễn Thị Thu Hiền, phó trưởng phòng kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án TAND tỉnh Quảng Ninh.
Về nhân vật chính trong vụ việc được coi là hi hữu trong lịch sử tố tụng, Phan Sào Nam sinh năm 1979 tại Hà Nội. Trước khi bị bắt và kết án, người này là cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, Phan Sào Nam là một người năng động, tài năng. Phan Sào Nam tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh trường ĐH Kinh tế TP.HCM; thạc sỹ kinh doanh công nghệ 1 trường ĐH thông tin liên lạc Hàn Quốc.
Phan Sào Nam rất giỏi ngoại ngữ, người này thông thạo 2 thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Hàn.
Năm 2005, Phan Sào Nam được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc VTC Intecom. 2 năm sau Nam và đồng nghiệp lập ra VTC Online, Nam là Chủ tịch HĐQT.
Nhận xét chung, Phan Sào Nam được nhận định là một người khá giỏi về công nghệ, tuy nhiên lại áp dụng kiến thức để vi phạm pháp luật.
Sau khi ra tù, Phan Sào Nam được Công ty CP Công nghệ và Dịch vụ Bản đồ số iMap ký hợp đồng lao động, để Nam ngồi ghế Giám đốc phát triển dự án, với mức lương 30 triệu đồng.
Theo trao đổi của luật sư Giang Hồng Thanh trên báo VietNamNet, Sau khi được ra tù, Phan Sào Nam đã làm nhiều việc có ích như cùng cộng sự xây dựng hệ thống bản đồ Goong.io hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19; Cùng Công ty CP giải trí Lumos hỗ trợ thành phố Đà Nẵng phòng chống dịch bệnh Covid 19; Phối hợp đưa đón hàng trăm lượt bệnh nhân nghèo chữa bệnh...
Trong vụ án triệt phá đường dây đánh bạc ngàn tỉ Rikvip/Tip.Club, có liên quan tới các sĩ quan cấp tướng của ngành công an, do Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện và làm rõ vào năm 2017 thì Phan Sào Nam là 1 trong 2 người cầm đầu.
Theo bản án phúc thẩm hồi tháng 3/2019, Phan Sào Nam bị tuyên 5 năm tù về các tội “tổ chức đánh bạc” và “rửa tiền”; thời gian chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 17/10/2017 (thời điểm Phan Sào Nam bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ). Quá trình thi hành án, TAND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 2 quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tổng cộng 22 tháng 7 ngày đối với phạm nhân Phan Sào Nam. Đến ngày 6/2, Phan Sào Nam được ra tù, sớm 22 tháng so với thời hạn.
Trong quá trình thi hành án tù giam, Phan Sào Nam được cho là đã viết thư gửi gia đình Lê Văn Kiên, một người liên quan đến vụ án để tác động người này về nước đầu thú. Đây là một lý do giảm án cho Phan Sào Nam căn cứ vào trường hợp đặc biệt là “lập công”. Tuy nhiên, kết quả xác minh của VKS thì không có không có nhân chứng, tài liệu xác định quá trình giam giữ Phan Sào Nam gửi thư ra ngoài.
Cùng với việc xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù của Phan Sào Nam không đạt yêu cầu, nên quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện.
PTH (Nguoiduatin.vn)