Mới đây, Cổng TTĐT Ủy ban Kiểm tra Trung ương đăng tải bài viết "Cục Quản lý giá Bộ Tài chính vi phạm trong hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương kít xét nghiệm Covid-19" thông tin về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cục Quản lý giá nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 liên quan vụ kít xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á. (Ảnh: Kỳ họp thứ 18, Ủy ban Kiểm tra Trung ương).
Qua kiểm tra Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Đảng ủy Cục Quản lý giá đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát để Cục Quản lý giá và một số cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương đối với mặt hàng kít xét nghiệm COVID-19.
Cụ thể, trong hiệp thương giá mặt hàng kít xét nghiệm COVID-19, Đảng ủy Cục Quản lý giá đã không lãnh đạo, chỉ đạo Cục Quản lý giá báo cáo, tham mưu để Ban cán sự đảng Bộ Tài chính thảo luận tập thể, quyết nghị về việc thực hiện nhiệm vụ là cơ quan chủ trì tổ chức hiệp thương giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cục Quản lý giá tổ chức hiệp thương giá trái quy định của pháp luật khi chưa đủ điều kiện, chưa làm rõ được cơ sở xây dựng phương án giá hiệp thương.
Đáng chú ý, Tổ hiệp thương có dấu hiệu cố ý làm trái khi không kiểm tra rà soát các điều kiện hợp pháp, hợp lệ trước khi tổ chức hiệp thương giá; tổ chức hiệp thương giá khi không bảo đảm điều kiện tổ chức hiệp thương giá theo quy định, thực hiện không đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì hiệp thương; không xác định rõ bên mua, bên bán; bên mua và bên bán không lập phương án giá hiệp thương; hồ sơ hiệp thương giá không đủ các thông tin, tài liệu, đặc biệt là một số vấn đề cốt lõi làm cơ sở cho quá trình hiệp thương; cố ý làm trái nguyên tắc hiệp thương đã thống nhất giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Những sai phạm trên đã tiếp tay, hợp thức hóa cho việc nâng khống giá bán kít xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.
Tại hội nghị hiệp thương, Cục Quản lý giá không thực hiện việc yêu cầu bên mua, bên bán trình bày đầy đủ hồ sơ, phương án hiệp thương giá theo quy định; không làm rõ nhiều vấn đề quan trọng làm cơ sở xác định giá hiệp thương; thống nhất giá hiệp thương chỉ dựa vào bản phô tô Báo giá và bảng thuyết minh cơ cấu tính giá hàng hóa, dịch vụ đăng ký giá do Công ty Việt Á lập, gửi Bộ Y tế; không làm rõ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền làm rõ dấu hiệu thông đồng trong hiệp thương giá giữa Bộ Y tế và Công ty Việt Á; việc cơ quan chủ trì kết luận các bên thỏa thuận thống nhất được mức giá theo đúng như đại diện Bộ Y tế đề xuất tại cuộc họp là chủ quan, thiếu cơ sở.
Sau hội nghị, Bộ Tài chính đã ban hành Thông báo số 266/TB-BTC ngày 27/3/2020 về kết quả hiệp thương giá có nội dung trái quy định của pháp luật khi tự ý đưa vào Thông báo một số nội dung không được thảo luận và thống nhất tại hội nghị hiệp thương, không được pháp luật về giá quy định, làm sai lệch bản chất kết quả hội nghị hiệp thương; thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm khi xác định Bộ Y tế chịu trách nhiệm về mức giá trong quá trình mua sắm, vi phạm Điều 4, Luật Giá năm 2012, tạo kẽ hở cho Công ty Việt Á và nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19 để trục lợi, gây thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước…
Khi biết rõ quá trình chủ trì tổ chức hiệp thương giá đã có những sai phạm, nhưng Cục Quản lý giá đã thiếu trách nhiệm trong việc khắc phục vi phạm, không tham mưu Bộ Tài chính có biện pháp tạm dừng hoặc thu hồi Thông báo số 266; để Bộ Y tế, Công ty Việt Á và nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng khống giá bán kít xét nghiệm COVID-19, thu lợi bất chính, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong tham gia kiểm tra giá hiệp thương, Cục Quản lý giá đại diện cho Bộ Tài chính tham gia Đoàn Kiểm tra nhưng không tham mưu, đề xuất Bộ Tài chính tạm dừng hoặc thu hồi Thông báo số 266 khi đã phát hiện nhiều sai phạm của Công ty Việt Á để kịp thời hạn chế, ngăn chặn hậu quả do Bộ Y tế đã hợp thức hóa giá bán kít xét nghiệm của Công ty Việt Á, dẫn đến nhiều địa phương, đơn vị, cơ sở y tế trong cả nước sử dụng văn bản nêu trên làm cơ sở xác định giá gói thầu mua sắm kít xét nghiệm của Công ty Việt Á (vì cho rằng đây là đơn giá chuẩn do Bộ Tài chính công bố) gây thiệt hại rất lớn ngân sách.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý giá dù biết Công ty Việt Á có vi phạm về giá nhưng không tham mưu, báo cáo Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra giá theo chức năng nhiệm vụ của Cục Quản lý giá trước khi hiệp thương; chủ trì tổ chức hội nghị hiệp thương giá trái quy định của pháp luật khi chưa xác định chính xác bên mua, chưa đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn đã ký các tờ trình Bộ Tài chính phê duyệt về việc cho áp dụng mức giá tạm tính không có trong quy định của pháp luật; trình mức giá hiệp thương 470.000 đồng/test thiếu căn cứ xác định giá.
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Tuấn đã trực tiếp ký Thông báo 266 về kết quả hiệp thương với giá 470.000 đồng/test có nội dung trái quy định của pháp luật, một số nội dung không được hội nghị hiệp thương, thảo luận thống nhất. Đây là kẽ hở để Công ty Việt Á và các tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.Với cương vị là Phó Trưởng đoàn kiểm tra, ông Tuấn đã phát hiện ra các vi phạm của Công ty Việt Á nhưng không tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính có biện pháp tạm dừng hoặc thu hồi lại Thông báo số 266 nên không hạn chế, ngăn chặn được hậu quả rất nghiêm trọng xảy ra.
Tại kỳ họp thứ 18, UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng các hình thức: Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý giá.
Đến nay, đại án Việt Á có tới hơn 90 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong số bị can có các ông Nguyễn Thanh Long - nguyên Bộ trưởng Y tế, ông Chu Ngọc Anh - nguyên Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phạm Công Tạc - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Phạm Xuân Thăng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định bị can Phan Quốc Việt khai đã thu lãi 4.000 tỷ đồng và chi "bôi trơn" khoảng 800 tỷ đồng cho các đối tác để được cung ứng kit xét nghiệm.
Theo Tâm Đức (Kienthuc.net.vn)