"Cắt nhầm" thận, bệnh viện bồi thường suốt đời cho bệnh nhân

30/06/2017 06:36:00

Hội đồng xét xử buộc Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ bồi thường một lần cho người bị cắt nhầm hai quả thận số tiền 302 triệu đồng và bồi thường hằng tháng là 5,8 triệu đồng/tháng. 

Hội đồng xét xử buộc Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ bồi thường một lần cho người bị cắt nhầm hai quả thận số tiền 302 triệu đồng và bồi thường hằng tháng là 5,8 triệu đồng/tháng. 

Ông Nguyễn Thiện Trí, chồng bà Tú, nghe tòa tuyên án và ông cho biết ông chấp nhận bản án này - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 29-6, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại theo hợp đồng dịch vụ trong vụ “cắt nhầm” hai quả thận xảy ra cuối năm 2011 giữa nguyên đơn là bà Hứa Cẩm Tú (ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) và bị đơn là Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ. 

Do sức khỏe kém, bà Tú ủy quyền cho chồng là ông Nguyễn Thiện Trí đại diện cho bà tại phiên tòa.

Phía bị đơn cũng ủy quyền cho luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) làm người đại diện và ông Thành cũng là người đại diện cho người có liên quan trong vụ kiện này là bác sĩ Trần Văn Nguyên – người phẫu thuật “cắt nhầm” hai quả thận của bà Tú.

Hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của bà Tú, buộc Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ bồi thường một lần cho bà Tú số tiền 302 triệu đồng và bồi thường hằng tháng là 5,8 triệu đồng/tháng tính từ thời điểm tháng 7 – 2017 cho tới khi trách nhiệm bồi thường chấm dứt (bồi thường suốt đời).

Trước đó, luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM), người người bảo vệ quyền lợi miễn phí cho nguyên đơn, đã trình bày yêu cầu đòi phía bị đơn bồi thường thiệt hại một lần tổng cộng số tiền hơn 707 triệu đồng gồm chi phí phát sinh khi ghép thận tại Bệnh viện đa khoa trung ương Huế; thu nhập thực tế bị mất của bà Tú và ông Trí; chi phí đi xe ôm tái khám hàng tháng sau phẫu thuật ghép thận; bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm…

Ngoài tiền bồi thường một lần như nêu trên, phía nguyên đơn cũng yêu cầu bồi thường thiệt hại mỗi tháng do mất khả năng lao động tính từ tháng 7 – 2017 với tổng số tiền là 7,6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đại diện bị đơn bác hoàn toàn yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn và chỉ đồng ý hỗ trợ 50 triệu đồng cho gia đình bà Tú để làm vốn coi như là giúp đỡ, sau này có thì hỗ trợ thêm.

Đại diện viện kiểm sát cho rằng việc “cắt nhầm” thận là lỗi vô ý, bác sĩ và ê kíp phẫu thuật của bệnh viện đều không mong muốn nhưng thực tế hậu quả đã ảnh hưởng đến sức khỏe bà Tú nên việc bà yêu cầu bồi thường là có cơ sở chấp nhận.

Vì vậy, đại diện viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận các khoản nguyên đơn nêu như thu nhập thực tế của vợ chồng bà Tú bị mất từ thời điểm khởi kiện đến nay, bồi thường tổn thất tinh thần bằng 20 tháng lương tối thiểu, chi phí cho người thường xuyên chăm sóc bệnh cho bà Tú và chi phí thuê xe ôm đi khám bệnh hàng tháng sau phẫu thuật...

'Cắt nhầm' thận, bệnh viện bồi thường suốt đời cho bệnh nhân

Luật sư Lê Quang Vũ (bìa trái) là người bào chữa miễn phí cho bà Tú trong vụ kiện dân sự - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã không chấp nhận một số yêu cầu của bà Tú như chi phí mà người nhà bỏ ra trong quá trình ghép thận cho bà Tú ở Bệnh viện đa khoa trung ương Huế (61 triệu đồng) vì không có chứng cứ chứng minh; tiền trợ cấp hằng tháng cho bà Tú do suy giảm lao động theo Luật bảo hiểm xã hội (104 triệu đồng) vì bà Tú không phải đối tượng được hưởng theo luật này; tiền đi xe ôm hằng tháng (240.000 đồng/tháng) vì đã có trong phần chấp nhận khoản bồi thường do bị mất thu nhập của ông Trí…

Như đã thông tin, cuối năm 2011, trong quá trình nhập viện điều trị bệnh bệnh về thận tại Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ, bà Tú được chẩn đoán thận trái bị ứ nước độ 3, 4, được chỉ định mổ nội soi, nhưng sau đó biến chứng nên chuyển sang mổ hở.

Sau ca mổ, bác sĩ Nguyên thông báo cho gia đình biết ca mổ thành công, nhưng sau đó diễn biến sức khỏe bà Tú trở nên xấu, bệnh viện cho đi siêu âm thì bà Tú… không còn quả thận nào cả.

Sau đó bà Tú đã được một người hiến thận để thực hiện ghép tại Bệnh viện đa khoa trung ương Huế.

Lúc đầu bà Tú được bệnh viện hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng, sau đó được hạ xuống còn 3 triệu đồng/tháng, đến tháng 5-2013 thì cắt hỗ trợ.

Một tháng sau đó bà Tú nộp đơn khởi kiện bệnh viện, cho tới nay vụ việc mới đưa ra xét xử.

Tại tòa, hội đồng xét xử cho rằng đây là số tiền để khắc phục hậu quả trong quá trình điều trị, nên không được khấu trừ vào số tiền mà tòa tuyên buộc bệnh viện phải bồi thường cho bà Tú.

Trao đổi với phóng viên, ông Trí cho biết ông hài lòng với bản án này bởi điều quan trọng nhất là tòa đã tuyên xử bệnh viện có sai sót trong điều trị  chô vợ mình chứ không phải đổ cho nguyên nhân “thận móng ngựa, khó phát hiện” trong y khoa.

Theo Chí Quốc (Tuổi Trẻ)

Nổi bật