Trên thực tế, năm 2020, có một đối tượng ở Hà Nội sang Thái Lan học cách thức đưa ma túy tổng hợp vào một loại bánh.
Ma túy tổng hợp luôn thay đổi và thể hiện ra bên ngoài với màu sắc rực rỡ, có hình dáng bắt mắt để lôi cuốn người dùng. Điển hình, vụ việc xảy ra ở Quảng Ninh cuối tháng 10 vừa qua, cơ quan chức năng giám định số kẹo do đối tượng mang từ bên Mỹ về Việt Nam, kết quả phát hiện có chất THC trong cần sa nhưng hàm lượng không lớn. Do đó, khi sử dụng loại kẹo trên sẽ gặp các biểu hiện khó chịu, nhức đầu… Điển hình, một số học sinh ăn loại kẹo này đã phải vào phải nhập viện sơ cứu.
“Từ vụ việc trên, cần tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên thấy được tác hại của ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng. Trước khi sử dụng bất kỳ loại đồ ăn, thức uống nào cần phải xem các sản phẩm này có được cấp phép của cơ quan chức năng hay không” - đại diện C04 khuyến cáo.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng C04 cho biết, hiện nay trên mạng xã hội còn xuất hiện tình trạng mua bán các loại ma túy mới. Do đó, đơn vị cũng xác định đây là một nguồn thông tin không thể bỏ qua và thu thập tài liệu để xác minh điều tra.
Vẫn theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, tội phạm ma túy là tội phạm ẩn và được coi là “tội phạm của các loại tội phạm”. Vì vậy, để giảm tội phạm, cần tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh với tội phạm, tệ nạn ma túy theo các mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại và phải triệt phá được toàn bộ đường dây, ổ nhóm, bắt giữ bằng được đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Năm 2021, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc phát hiện 25.175 vụ, bắt giữ 37.046 đối tượng, thu giữ 596 kg heroin và 2,4 triệu viên ma túy tổng hợp, gần 1 tấn cần sa. Tại Việt Nam hiện nay có 540 chất ma túy tổng hợp được đưa vào quản lý, và hàng năm đều phát hiện thêm chất mới. Chỉ riêng từ 29/5 đến nay đã xuất hiện 8 chất ma túy tổng hợp mới.
Theo Thanh Hà (Tiền Phong)