Mới đây, cơ quan CSĐT – CAQ Hoàn Kiếm – TP Hà Nội đã bắt giữ Dương Thúy Hà, tức Hà “sứt”, sinh năm 1988, trú tại số 1B, ngõ 189/1 Hoàng Hoa Thám, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội và người tình của Hà là Vũ Anh Tú, sinh năm 1989, trú tại 26A TT Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên đối tượng này bị bắt giữ. Nhưng sau đó, Hà “sứt” lại được cho tại ngoại với lý do mang thai, hoặc nuôi con nhỏ. Và trong thời gian này, “yêu nữ” Dương Thúy Hà lại tiếp tục lừa đảo của nhiều nạn nhân khác lấy tiền ăn tiêu.
Thái độ thách thức pháp luật và tìm cách để “lách luật” của Hà “sứt” khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, đặc biệt là những người từng là nạn nhân của đối tượng này.
Liên quan đến hành vi phạm tội của Dương Thúy Hà, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Đại úy, TS. Phạm Song Hà - Phó trưởng Bộ môn Tâm lý - Học viện CSND.
PV: Theo tiến sĩ, nguyên nhân nào khiến các cửa hàng kinh doanh dễ dàng “sập bẫy” lừa của đối tượng Dương Thúy Hà?
TS. Phạm Song Hà: Có rất nhiều nguyên nhân khiến các cửa hàng kinh doanh, hay các cá nhân dễ rơi vào bẫy lừa của đối tượng này. Tôi có thể nói đến một số các nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, đối tượng lợi dụng tâm lý người bị hại thường có thái độ thiện cảm, dễ cảm thông với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, từ đó dẫn tới mất cảnh giác.
Thứ hai, đối tượng chủ động tiếp cận, xây dựng niềm tin với cở sở kinh doanh bằng cách ngụy tạo một hình ảnh lương thiện, phúc hậu, giàu có.
Thứ ba, địa điểm, bối cảnh thực hiện hành vi lừa đảo đã được đối tượng lựa chọn kỹ lưỡng, vừa tạo niềm tin với người bị hại, vừa dễ tẩu thoát.
Thứ tư, mô hình bán hàng online có nhiều tiện ích đối với người kinh doanh và cả khách hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, thủ tục giao hàng và thủ tục thanh toán có nhiều kẽ hở dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Những kẽ hở trong quản lý kinh doanh bán hàng online trở thành nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh, phát triển loại hình tội phạm lừa đảo qua mạng.
PV: Có rất nhiều người kinh doanh là nạn nhân của Hà “sứt”, tuy nhiên sau khi xảy ra vụ việc thì lại không trình báo cơ quan công an. Vậy tiến sĩ có thể lý giải như thế nào về việc này?
TS. Phạm Song Hà: Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cửa hàng kinh doanh, hoặc cá nhân kinh doanh qua mạng internet không trình báo cơ quan chức năng sau khi bị Hà “sứt” lừa đảo có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân khách quan xuất phát từ việc đặt hàng và nhận đơn hàng giao dịch qua điện thoại; phương thức giao hàng và thanh toán trực tiếp tại địa điểm giao hàng dẫn tới không có căn cứ xác định tài sản bị chiếm đoạt cũng như chứng minh hành vi gian dối của đối tượng, không có thông tin về nhân thân của đối tượng…
Do vậy, khi vụ việc xảy ra, nhiều nạn nhân không đến cơ quan trình báo. Cũng chính vì hiểu lý do này, nên đối tượng càng liều lĩnh hơn trong các phi vụ lừa đảo.
Bên cạnh đó còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như sau:
Thứ nhất, khi mức độ thiệt hại không quá lớn, người bị hại thường không trình báo, tố giác tội phạm do tâm lý e ngại không muốn gặp gỡ, làm việc với cơ quan Công an, sợ bị mất thời gian, sợ phiền toái.
Thứ hai, một số ít không trình báo, tố giác tội phạm do tâm lý xấu hổ, sợ bị người thân chê trách, sợ bị chế nhạo cho dù mức độ thiệt hại tương đối lớn.
Thứ ba, tâm lý không tin tưởng vào khả năng của cơ quan điều tra, cho rằng cơ hội tìm ra đối tượng rất thấp và dù có tìm được đối tượng thì cũng chưa chắc đã đòi được tài sản đã mất. Từ đó nạn nhân có thái độ buông xuôi, bỏ mặc, chấp nhận chịu thiệt hại theo kiểu “của đi thay người”.
PV: Tại sao đối tượng Hà “sứt” dù bị bắt nhiều lần nhưng vẫn ngang nhiên tiếp tục dùng thủ đoạn cũ để chiếm đoạt tài sản thưa tiến sĩ?
TS.Phạm Song Hà: Chúng ta có thể thấy, mỗi lần đối tượng Hà ra tay là lúc đó đang mang thai, hoặc nuôi con nhỏ. Qua đó, chứng tỏ đối tượng đã tìm hiểu rất kỹ về luật quy định đối với đối tượng phạm tội đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng.
Cụ thể, Dương Thúy Hà đã lợi dụng sự chính sách nhân đạo, sự khoan hồng của hệ thống pháp luật, cụ thể là các quy định pháp luật liên quan tới chủ thể là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; thay đổi biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra; hoãn chấp hành hình phạt tù… Do vậy, trong quá trình được tại ngoại, đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội nhiều lần.
Ngoài ra, mức độ thiệt hại mà đối tượng gây ra phần lớn nằm trong khoảng từ 2.000.000 đồng tới dưới 50.000.000 đồng nên khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm. Khung hình phạt thấp khiến đối tượng có thái độ coi thường, không sợ sự trừng phạt của pháp luật.
Và cuối cùng, đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, tỏ ra “chai sạn” với mặc cảm tội lỗi và có nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng, nên sẵn sàng ngang nhiên tái phạm nhiều lần.
Mặc dù đã bị cơ quan công an bắt giữ cùng người tình, nhưng chỉ sau hai hôm, lực lượng chức năng buộc phải cho Hà “sứt” tại ngoại để… đi đẻ. Như vậy, đối tượng này hiện vẫn có khả năng phạm tội. Người dân, đặc biệt các cá nhân, hộ kinh doanh cần hết sức cẩn trọng với thủ đoạn của “yêu nữ” này.
Theo Thùy An (An Ninh Thủ Đô)