Theo kết luận của chánh án, việc tòa cấp sơ thẩm phạt bị cáo Tân tám tháng 20 ngày tù, bị cáo Tuấn 10 tháng tù là quá nghiêm khắc.
Trong vụ án này, tòa cấp sơ thẩm phạt bị cáo Tân đúng bằng thời gian tạm giam. Việc này không sai về mặt pháp luật nếu thật sự chuẩn xác. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc các tòa áp dụng mức án đúng bằng thời gian tạm giam thường là hợp thức hóa thời gian tạm giam của bị cáo trước đó. Bởi lẽ nếu tòa tuyên bị cáo một hình phạt khác nhẹ hơn hình phạt tù hay tuyên mức án tù thấp hơn số ngày bị cáo bị tạm giam thì việc giải quyết hậu quả pháp lý sẽ rất rắc rối. Cho nên, với tâm lý đằng nào bị cáo cũng có tội, việc tuyên bị cáo mức án tù bằng đúng thời gian tạm giam là điều dễ dàng nhất, khỏe nhất cho cả ba cơ quan tố tụng. Mà như vậy, bị cáo đã mất đi cơ hội được hưởng một hình phạt nhẹ hơn hoặc một mức án tù nhẹ hơn.
Lẽ ra khi điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo chưa thành niên, các cơ quan tố tụng cần thận trọng nghiên cứu kỹ quy định của BLHS hiện hành và các quy định pháp luật liên quan về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Về phía CQĐT và VKS, nếu xét thấy không cần thiết tạm giam thì dứt khoát không tạm giam. Về phía tòa, nếu xét thấy không đáng phạt tù thì nhất quyết không áp dụng hình phạt này cho dù trước đó bị cáo đã bị tạm giam.
Qua vụ án này, có lẽ bài học bổ ích nhất rút ra là phải thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy đối với cán bộ tố tụng, nhất là khi xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội thì phải luôn luôn áp dụng những quy định có lợi nhất cho họ. Đó không chỉ là chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta đối với các em chưa đủ 18 tuổi mà còn là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội đối với thế hệ trẻ.
Mặt khác, chỉ đạo “đối với TAND các cấp, khi xét xử các vụ án hình sự, phải chấp hành nghiêm túc các quy định của BLTTHS về việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị cáo, đặc biệt là đối với bị cáo là người chưa thành niên. Các tòa án phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập trong xét xử để ra các bản án bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không được ra bản án, quyết định có nội dung chấp nhận sai sót nghiêm trọng của CQĐT, VKS trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự” của chánh án TAND Tối cao là rất đúng đắn. Hy vọng với chỉ đạo này, các tòa án sẽ mạnh dạn áp dụng hình phạt nhẹ hơn, mức án nhẹ hơn đối với bị cáo nếu hình phạt, mức án đó chuẩn xác cho dù bị cáo đã bị tạm giam trước đó.
Theo ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao (Pháp Luật TP HCM)