Vừa qua, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, ký văn bản gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ về việc xác minh bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt (SN 1959, tức thượng tọa Thích Chân Quang).
Theo văn bản, ngày 30-7, Sở GD-ĐT TP HCM có buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ thông qua giấy giới thiệu về việc xác minh quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt.
Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở GD-ĐT TP HCM xác định ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm của kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của sở. Ông Vương Tấn Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở GD-ĐT TP HCM.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Người Lao Động có trao đổi với luật sư Lê Ngọc Luân (Hãng luật Gold Key) về trách nhiệm cũng như góc độ pháp lý.
* Phóng viên: Luật sư nhìn nhận như thế nào về thông tin mà Sở GD-ĐT TP HCM vừa công bố?
- Luật sư Lê Ngọc Luân: Qua báo chí, tôi biết được thông tin Sở GD-ĐT TP HCM có văn bản gửi Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định ông Vương Tấn Việt không có bằng cấp 3 hệ bổ túc văn hoá khoá ngày 6-6-1989.
Giả thiết đặt ra ông Việt sử dụng bằng cấp 3 này (không có bằng cấp 3 khác) để học cao hơn như Chương trình tiến sĩ tôn giáo ở Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội hoặc trước đó đã được cấp bằng ngoại ngữ tại Đại học Ngoại ngữ (nay là trường Đại học Hà Nội), cử nhân luật, tiến sĩ luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Trong trường hợp này ông Vương Tấn việt sẽ bị buộc thôi học tại Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, đồng thời bằng cấp 3 cũng như tất cả bằng cấp sau đó ở hai trường này hoặc các trường khác (nếu có) sẽ bị huỷ bỏ hoàn toàn theo quy định tại khoản 3, điều 20 Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ GD&ĐT.
* Trách nhiệm của các trường đã cấp bằng ra sao, thưa luật sư?
- Trách nhiệm của Trường Đại học Luật Hà Nội trong trường hợp này được đặt ra khi ông Việt sử dụng bằng cấp 3 hệ bổ túc để học cử nhân luật hệ Vừa làm vừa học sau đó học tiếp tiến sĩ.
Trường hợp ông Việt sử dụng bằng Đại học Ngoại ngữ để học văn bằng 2 cử nhân luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội thì trách nhiệm sẽ thuộc về trường cấp bằng là Đại học Ngoại ngữ. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà Trường Đại học Luật Hà Nội có trách nhiệm trả lời cho cơ quan nhà nước và dư luận biết là "một người chưa tốt nghiệp bậc giáo dục phổ thông" có thể học được chương trình cử nhân luật xếp loại giỏi và tiến sĩ loại giỏi trong vòng khoảng 2 năm không.
Từ đó làm rõ có vi phạm, có tiêu cực gì trong quá trình đào tạo cử nhân luật, tiến sĩ luật đối với trường hợp của ông Vương Tấn Việt không. Những vấn đề này không ai khác trả lời chính xác hơn ngoài Trường Đại học Luật Hà Nội, và điều này cũng thuộc về trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
Đối với Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam phải căn cứ vào các quy định của Giáo hội để xử lý kỷ luật và nếu thấy hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm thì phải gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan điều tra xác minh, xử lý theo quy định.
*Trường hợp sử dụng bằng bổ túc cấp 3 giả để học đại học rồi tiến sĩ, luật quy định ra sao?
- Theo dõi kỹ diễn biến và thông tin từ báo chí cho thấy vụ việc này có dấu hiệu tội phạm, cụ thể là hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và "Giả mạo trong công tác" quy định tại Điều 341, 359 Bộ luật Hình sự 2015. Vì vậy, cơ quan điều tra cần xem xét khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng và hành vi có dấu hiệu tội phạm không bị bỏ lọt.
Theo Phạm Dũng (Nld.com.vn)