Theo kết quả điều tra ban đầu, ngoài việc nhắn tin đe dọa sự an toàn tính mạng của ông Huỳnh Đức Thơ, ông Cường còn gửi các tin nhắn nội dung tương tự tới một số cán bộ Văn phòng UBND, lãnh đạo Sở thuộc UBND TP.Đà Nẵng. Hiện ông Đào Tấn Cường đã được di lý ra TP.Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Hiện nay, tình trạng nhắn tin đe dọa lãnh đạo các địa phương xảy ra khá nhiều. Những hành vi này của các đối tượng sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào nếu cơ quan điều tra xác định được hành vi phạm tội?
Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (đội mũ) kiểm tra bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Đình Thiên |
Trao đổi với Dân Việt ngày 20.8, ông Lê Hồng Sơn-Giám đốc Công ty Luật Hợp danh FDVN cho rằng, hành vi của ông Đào Tấn Cường như cơ quan công an cung cấp là đe dọa an toàn tính mạng của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng-Huỳnh Đức Thơ sẽ chiếu theo Điều 103- BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
Ở khoản 1 Điều 103, người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Còn theo khoản 2 Điều 103 sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu sự việc xảy ra đối với nhiều người, đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, đối với trẻ em hay để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Luật sư Sơn phân tích thêm, cơ quan điều tra cần làm rõ nội dung tin nhắn đe dọa và mục đích của việc đe dọa của ông Đào Tấn Cường. Nếu đe dọa tước đoạt tính mạng đích danh người đó dẫn đến người bị đe dọa tin rằng việc đe dọa đó sẽ diễn ra thì cấu thành tội Đe dọa giết người theo Điều 103 BLHS.
"Còn nếu nội dung tin nhắn không phải để tước đoạt tính mạng người đó mà mục đích khác như xâm phạm quyền sở hữu tài sản thì có thể cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản, mục đích chống chính quyền thì thành tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" - ông Lê Hồng Sơn cho hay.
Theo Đình Thiên (Dân Việt)