Cán bộ ngân hàng tiếp tay chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng, khách hàng vạ lây

24/01/2021 14:37:21

Trong vụ việc này, không chỉ mỗi ngân hàng thiệt hại mà khách hàng gửi tiết kiệm cũng vạ lây.

Sau khi dụ những người có tiền cùng đầu tư dự án để họ gửi tiền vào ngân hàng nhằm chứng minh tài chính, Nguyễn Thị Hà Thành đã câu kết với một số đối tượng và nhân viên ngân hàng để làm giả các loại giấy tờ để rút tiền từ sổ tiết kiệm của khách, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng của các ngân hàng TMCP Việt Á (VAB), ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), PVcombank. 

Thủ đoạn tinh vi

Viện KSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội); Nguyễn Thanh Tùng (SN 1977, Giám đốc Cty TNHH cơ điện, xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam) cùng 23 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Theo cáo trạng, do làm ăn kinh doanh bị thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán. Để có tiền chi tiêu cá nhân, Thành đã tìm cách tiếp cận, dụ những người có tiền cùng Thành đầu tư dự án xây dựng với điều kiện họ phải bỏ tiền ra chứng minh năng lực tài chính bằng cách gửi tiền vào ngân hàng với hình thức đồng sở hữu với Thành. Sau đó cùng đồng bọn làm giả các loại giấy tờ và được sự giúp sức của nhân viên ngân hàng, Thành đã rút tiền ra sử dụng mà người đồng sở hữu không hề hay biết.

Cụ thể, để đối tác tin tưởng bỏ tiền cùng gửi đồng sở hữu, Thành đã nhờ Đặng Thị Quỳnh Hương, Trưởng phòng quan hệ khách hàng cá nhân Ngân hàng TMCP Việt Á vay “nóng” tiền hộ Thành để Thành “lòe” đối tác rằng mình cũng bỏ tiền ra.

Đồng ý với lời hứa trả lãi suất cao cho khoản vay trong ngày của Thành, Hương đã liên hệ với một số khách hàng cá nhân do mình quản lý để vay nóng. Nhiều trường hợp khi chưa vay được tiền, Hương vẫn nói với giao dịch viên, thủ quỹ lập và ký trước chứng từ mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu trong đó có tên của Thành hoặc người do Thành chỉ định. Hợp đồng tiền gửi và chứng từ kèm theo của bộ hồ sơ tiền gửi, Hương và Thành đưa cho người đồng sở hữu để làm tin, còn Thành cầm sổ tiết kiệm. Nhưng sau khi người đồng sở hữu ra về Hương liền nói với giao dịch viên, thủ quỹ rằng không vay được tiền cho Thành nên đề nghị lập lại các chứng từ mở sổ tiết kiệm đúng bằng số tiền mà người đồng sở hữu đem đến gửi.

Đối với những người không đồng ý đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm, Thành đề nghị họ gửi tiền vào ngân hàng rồi đưa cho Thành giữ sổ tiết kiệm. Vẫn với thủ đoạn giả mạo chữ ký của chủ sở hữu và được sự giúp sức của Hương, Thành vẫn cầm cố thành công sổ tiết kiệm của đối tác,rút tiền chi tiêu cá nhân.

Bằng thủ đoạn nêu trên, Thành đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ, chiếm đoạt tổng số tiền 273,9 tỷ đồng của Ngân hàng VAB; chiếm đoạt 47,5 tỷ đồng của NCB.

Phát hiện đối tượng làm giả chữ ký nhưng không tố giác

Đáng chú ý, quá trình “hợp tác” với Thành, nhân viên ngân hàng VAB là Nguyễn Thị Thu Hương đã phát hiện Thành làm giả chữ của người đồng sở hữu để làm hồ sơ vay vốn vào tháng 3/2018, song Hương không tố cáo với cơ quan chức năng mà tiếp tục giới thiệu đối g này gặp Bùi Văn Tuấn (SN 1992, nhân viên ngân hàng PVcombank) để từ đó Thành tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 49,4 tỷ đồng của PVcombank.

Cán bộ ngân hàng tiếp tay chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng, khách hàng vạ lây
Kết quả giám định chữ ký của khách hàng trên các hợp đồng tín dụng là giả

Cụ thể, Cụ thể đầu tháng 10/2018, ông Đặng Nghĩa Toàn có ý định đấu giá một dự án khu đô thị nên nhờ Thành, Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc Công ty TNHH cơ điện, xây dựng Jeongho Landmark sử dụng công ty MHD để lấy tư cách pháp nhân tham gia đấu giá nhưng không thành.

Biết ông Toàn có tiền, bị can Thành nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên Thành hỏi Hương nếu vay tại PVcombank có giải quyết được nhanh không? Hương đã giới thiệu Thành gặp Tuấn, Tuấn tiếp tục dẫn Thành gặp Đỗ Minh Đức, Giám đốc phát triển khách hàng – Trung tâm phát triển khách hàng miền Bắc, PVcombank.

Sau khi Đức cam đoan sẽ giải quyết được ngay, Thành đề nghị ông Toàn cho mình vay chứng minh tài chính bằng hình thức gửi 52 tỷ vào ngần hàng PVcombank và đưa sổ tiết kiệm cho mình. Sau đó, Thành và Tùng giả mạo chữ ký và điểm chỉ vân tay của mình giả làm vân tay của vợ chồng ông Toàn để hoàn thiện hồ sơ thế chấp sổ tiết kiệm, vay tiền ngân hàng.

Quá trình phê duyệt hồ sơ, Đỗ Minh Đức đã được cấp dưới báo cáo việc không gặp trực tiếp vợ chồng ông Toàn mà nhờ Thành cầm đưa ký hộ song Đức vẫn ký duyệt cấp tín dụng 49,4 tỷ đồng. Sau khi ngân hàng giải ngân vào tài khoản của công ty Hoàng Nguyên, Thành đã rút toàn bộ số tiền này để chi tiêu cá nhân.

Khách hàng vạ lây

Là một trong những khách hàng gửi tiền vào cả ba ngân hàng nêu trên, cuối năm 2018, ông Đặng Nghĩa Toàn phát hiện tiền trong sổ tiết kiệm của mình bị “bốc hơi” nên đã cùng ngân hàng trình báo cơ quan công an. Tuy nhiên, ông Toàn lại bị những ngân hàng từng coi mình là VIP nghi ngờ câu kết với Nguyễn Thị Hà Thành để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Không những không đòi được tiền trong suốt 2 năm qua, ông Toàn và gia đình còn bị ảnh hưởng tới cuộc sống, danh dự.

“Khi cơ quan công an ban hành kết luận điều tra, tôi còn phải photo một bản đưa cho con mang đến trường đọc để giải thích với chúng bạn về bố mẹ mình không phải kẻ lừa đảo…” – ông Toàn chia sẻ.

Cán bộ ngân hàng tiếp tay chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng, khách hàng vạ lây - 1
Ông Đặng Nghĩa Toàn cho biết cuộc sống của gia đình bị ảnh hưởng rất lớn trong hai năm qua

Vẫn theo ông Toàn, ngay từ trong giai đoạn điều tra, khi cơ quan công an xác định chữ ký của ông Toàn bị làm giả, vợ chồng ông đã nhiều lần làm việc với các ngân hàng đề nghị được rút khoản tiền tiết đã gửi tiết kiệm song suốt hai năm qua đều bị các ngân hàng thoái thác với lý do chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điêu tra.

Ông Toàn phản ánh, PVcomBank đã có văn bản cam kết với vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn nội dung “Trong trường hợp có kết luận chính xác ông Toàn, bà Trang không ký cầm cố sổ tiết kiệm thì giải toả số tiền tiết kiệm theo quy định của pháp luật”.

"Đến nay cơ quan điều tra đã ban hành kết luận và Viện KSND TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố đối tượng lừa đảo và nhóm cán bộ ngân hàng có liên quan song các ngân hàng vẫn không giải quyết cho tôi rút tiền là trái luật", ông Toàn bức xúc.

Liên quan đến phản ánh của vợ chồng ông Toàn, PVcombank đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định 3 sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn mở tại PVcomBank đang là vật chứng của vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…”. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc và chưa có quyết định cuối cùng.

Về đề nghị giải tỏa 3 sổ tiết kiệm như đã nêu của ông Toàn và bà Trang, PVcomBank đã nhiều lần gửi văn bản thông báo tới ông Toàn và bà Trang, trong đó giải thích rõ vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và Ngân hàng chỉ có cơ sở giải quyết theo Bản án có hiệu lực pháp luật. Khi đó, PVcomBank sẽ xử lý theo đúng phán quyết tại Bản án có hiệu lực.

Ngày 22/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Pvcombank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai. Vụ án xuất phát từ đơn tố cáo Trưởng phòng dịch vụ khách hàng Pvcombank chi nhánh Đồng Nai cùng với nhân viên, khách hàng và một giám đốc công ty xuất nhập khẩu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt hơn 70 tỷ đồng của 2 khách hàng khác.

Theo Dương Lê (Tiền Phong)