Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, cán bộ hải quan Nguyễn Tường Duy đã tích cực "làm khó" doanh nghiệp, buộc họ phải chung chi tùy vào mức độ "nhạy cảm" của lô hàng.
Thông tin này được ông Hoàng Việt Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, xác nhận chiều 9/1. Hiện Tổng cục An ninh phối hợp với Tổng cục Hải quan làm rõ hành vi sai phạm của ông Duy.
Buộc doanh nghiệp phải chung chi
Ông Duy từng là cán bộ hải quan thuộc Cục hải quan tỉnh An Giang. Năm 1991, lúc công tác ở đội kiểm soát của cục, do có sai phạm trong khâu kiểm soát hàng hóa ở cửa khẩu nên ông Duy bị buộc thôi việc, một số cán bộ liên quan bị xử lý kỷ luật.
Bốn anh em ông Duy đều công tác ở Cục Hải quan An Giang, đầu những năm 1990 tất cả đều lần lượt chuyển công tác lên TP HCM. Thông tin này được một lãnh đạo Cục Hải quan An Giang xác nhận.
|
Nguyễn Tường Duy |
Tại TP HCM, ban đầu ông Duy công tác tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sau đó về đội chống buôn lậu công tác tới nay. Khoảng cuối tháng 12/2015, ông Duy đi Trung Quốc.
Phát hiện ông Duy có những dấu hiệu tiêu cực trong thời gian làm việc tại TP.HCM nên lực lượng chức năng của Việt Nam đã chuẩn bị kế hoạch bắt giữ khi ông Duy trở về.
Cuối tháng 12/2015, khi ông Duy làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất thì lực lượng chức năng mời đi, sau đó công bố lệnh bắt, khám xét khẩn cấp. Quá trình khám xét nơi ở của ông Duy, cơ quan an ninh đã thu giữ nhiều phong bì có tiền, tổng cộng gần 1 tỷ đồng.
Thông tin ban đầu cho biết lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao là kiểm soát hàng hóa, chống buôn lậu qua biên giới, ông Duy đã tích cực "làm khó" các doanh nghiệp, buộc họ phải chung chi.
Tùy vào mức độ "nhạy cảm" của lô hàng mà chủ hàng có thể phải chi vài triệu tới hàng chục triệu đồng theo gợi ý để được thông quan suôn sẻ.
"Quan điểm của Tổng cục Hải quan là phải xử lý thật nghiêm cán bộ có sai phạm nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ để vòi tiền doanh nghiệp. Chúng tôi không dung túng bao che.
Thực tế ngành hải quan đã có những biện pháp để ngăn chặn và phát hiện, xử lý những cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, những đối tượng cố tình, với những thủ đoạn tinh vi thì ngành hải quan chưa thể phát hiện hiệu quả bằng các cơ quan bảo vệ pháp luật" - ông Hoàng Việt Cường nói.
Doanh nghiệp phải trả chi phí đen cho hải quan
Mới đây, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan năm 2015.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về kết quả nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế VCCI cho hay một thông tin đáng chú ý là có 28% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ phải trả thêm một số khoản chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hải quan.
Trong khi đó, tỉ lệ doanh nghiệp trả lời là phải trả chi phí đen năm 2013 và 2012 là 49% và 57%. Dù số doanh nghiệp phải trả chi phí đen năm 2015 có thấp hơn các năm trước nhưng tình trạng này vẫn khiến cộng đồng doanh nghiệp rất bức xúc.
"Đi vào chi tiết thì thấy các cục hải quan lớn nằm trong các tỉnh thành trọng điểm kinh tế là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... trong nhóm có tỉ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức cao. Và đứng đầu danh sách này là Cục Hải quan TP HCM khi 53,35% doanh nghiệp cho biết đã phải trả chi phí không chính thức ở đây.
Điều đáng lo ngại là có đến 31% doanh nghiệp cho biết họ e ngại khi không trả chi phí đen cho cán bộ hải quan.
Vì nếu không trả doanh nghiệp sẽ bị cơ quan hải quan phân biệt đối xử bằng việc kéo dài thời gian làm thủ tục, bổ sung những giấy tờ, chứng từ không có trong quy định, thậm chí cán bộ hải quan có thái độ đối xử không văn minh, lịch sự" - ông Tuấn nhấn mạnh.
>> Bắt khẩn cấp cán bộ hải quan, thu giữ hơn 60 phong bì chứa tiền tỉ
Theo L.Thanh - G.Minh - Đ.Vịnh (Tuổi Trẻ)