Cần bảo vệ tội phạm tham nhũng để tránh bị thủ tiêu bịt đầu mối

27/02/2017 09:15:00

"Tham nhũng quyền lực hay tham nhũng chính sách đó là cách nói. Còn tham nhũng kiểu gì cũng đi đến chỗ liên quan đến tài sản" - TS Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói khi trao đổi với PV.

"Tham nhũng quyền lực hay tham nhũng chính sách đó là cách nói. Còn tham nhũng kiểu gì cũng đi đến chỗ liên quan đến tài sản" - TS Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói khi trao đổi với PV.

Tại Hội nghị toàn quốc của ngành nội chính mới đây, có ý kiến cho rằng để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả cần thành lập cơ quan độc lập để điều tra phá án về tham nhũng, lãng phí. Ông có đồng tình với quan điểm này?

- Tôi thấy đề xuất đó phù hợp với điều kiện của nước ta. Từ trước tới nay chúng ta cũng đang phấn đấu để cơ quan về phòng, chống tham nhũng phải độc lập so với các cơ quan nhà nước khác. Còn như chức năng chồng chéo và phụ thuộc nhau thì rất khó thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả.

can bao ve toi pham tham nhung de tranh bi thu tieu bit dau moi hinh anh 1
Bị cáo Giang Kim Đạt - nguyên quyền trưởng phòng Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines  bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản. Ảnh: T.L  

Theo tôi, cần có cơ quan tương đối độc lập để tiến hành phát hiện, điều tra xử lý về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Muốn cho công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, tôi nghĩ các cơ quan chức năng nên suy nghĩ đến ý kiến đề xuất trên.

Thứ hai, nếu thành lập cơ quan để chuyên thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc lựa chọn cán bộ cũng sẽ chuyển người từ các cơ quan nhà nước khác sang, chứ không phải tuyển dụng mới hoàn toàn. Ví dụ như tuyển người từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra sang.

Thời gian gần đây nổi lên việc một số đối tượng khi thấy có dấu hiệu bị "sờ gáy" vì liên quan đến những vụ án kinh tế, tham nhũng đã "mất tích" một cách kỳ lạ, gây khó khăn cho công tác thanh tra, điều tra. Đây cũng là vấn đề cần phải hết sức lưu ý trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thưa ông?

- Trường hợp người có vi phạm trong các vụ việc liên quan đến kinh tế, tham nhũng, vụ việc mới ở giai đoạn kiểm tra, thanh tra mà người liên quan có biểu hiện "chuồn",  các cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn bằng nhiều cách chứ không chỉ chờ khởi tố vụ án mới áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự.

Việc theo dõi này, ngoài mục đích ngăn ngừa người vi phạm bỏ trốn, còn có một tác dụng nữa là để bảo vệ những người đó, vì biết đâu họ sẽ bị những kẻ khác thủ tiêu, ám sát để bịt đầu mối về những sai sót.

Muốn làm tốt vấn đề này cần phải nghiên cứu làm sao để quản lý tốt cán bộ. Cần có quy định để kiểm soát được những người có dấu hiệu vi phạm ngay ở giai đoạn kiểm tra, thanh tra trong các vụ việc về quản lý kinh tế, chức vụ, các vụ tham nhũng lớn đặc biệt nghiêm trọng, để tránh việc họ "biệt tăm".

Kê khai tài sản phải đi kèm với xác minh

Thời gian gần đây có nhiều người đề cập đến chuyện tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách. Đây là loại tham nhũng tinh vi, rất khó phát hiện?

- Nói chung về tham nhũng, các dạng biểu hiện của nó kiểu gì cũng móc nối với nhau, còn nói riêng kiểu tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách như vậy thì cũng chỉ có tính ước lệ. Người muốn thực hiện hành vi tham nhũng phải có "dây", từ chuyện chủ trương, chính sách đến khâu thực hiện.

Tham nhũng quyền lực hay tham nhũng chính sách, theo tôi chỉ là cách nói. Còn biểu hiện của tham nhũng kiểu gì cũng dẫn đến chỗ liên quan đến tài sản. Chúng ta phải xem xét tổng thể của vấn đề. Còn chia tách ra thành tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách, tôi cho rằng như thế chưa có tính thực tế.

Quý I năm 2017, các đại án về kinh tế tham nhũng như Giang Kim Đạt, Hà Văn Thắm... bắt đầu được đưa ra xét xử. Qua những vụ án xét xử điểm đó, liệu các đối tượng tham nhũng có run sợ?

- Những đại án tham nhũng, kinh tế đó được đưa ra xét xử nhưng chưa phải đã  hết. Như báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 có đánh giá: Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều.

Từ báo cáo có thể thấy dường như lĩnh vực nào cũng có tham nhũng, tiêu cực tuy nhiên có một số lĩnh vực nổi cộm nhất hiện nay như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, vấn đề về tài chính... Chúng ta đã bắt đầu có sự chuyển động và tập trung vào những vụ án lớn, nhưng cần phải làm toàn diện, phải tiếp tục để phát hiện, xử lý nhiều vụ khác.

Gần đây nhất, Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng kết luận về vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Liệu trong những vi phạm, khuyết điểm của những cán bộ mà kết luận chỉ ra có dấu hiệu tham nhũng hay không cũng cần phải xem xét, làm rõ.

Gần đây báo chí cũng đề cập đến vấn đề doanh nghiệp biếu tặng xe ô tô cho cơ quan nhà nước ở địa phương này, địa phương kia. Việc này khiến dư luận đặt câu hỏi nghi vấn đằng sau câu chuyện tặng xe là gì, trong những việc đó có dấu hiệu gì về tiêu cực, tham nhũng không? Điều này cũng cần cơ quan chức năng xem xét.

Một trong những kênh rất quan trọng để phòng ngừa tham nhũng cũng như thu hồi tài sản khi phát hiện tham nhũng là kê khai tài sản, thu nhập. Đã có nhiều ý kiến phân tích về sự bất cập trong hoạt động kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay, ông nghĩ sao?

- Kê khai tài sản muốn hiệu quả thì phải đi kèm với việc xác minh. Thứ hai là mở rộng kênh giám sát của nhân dân. Khi người dân tố cáo về dấu hiệu tham nhũng cần phải xem xét đầy đủ các khía cạnh, tránh thủ tục phiền phức khiến người dân ngại tố cáo.

Tới đây khi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được trình ra Quốc hội, theo tôi cần bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền chủ động xác minh bản kê khai tài sản đối với một số đối tượng nhất định, trước mắt tập trung vào những cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, người đứng đầu cơ quan và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại nơi cư trú.

Đối với một số cá nhân có vị trí, chức vụ dễ có cơ hội tham nhũng sẽ phải kê khai và công khai thường xuyên theo định kỳ, bao gồm cả việc cung cấp thông tin cho cơ quan thông tin, báo chí.

Xin cảm ơn ông!

Lãnh đạo đấu tranh phòng chống tham nhũng vào lúc này rất khó khăn vì Đảng lãnh đạo toàn diện nhiều mặt chứ không phải chỉ riêng phòng chống tham nhũng, trong khi đó lại chưa có cơ quan chuyên trách để điều tra phá án tham nhũng; các cấp ủy Đảng cũng chỉ đạo; còn ban nội chính chỉ tham mưu”.

Ông Võ Công Trí - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng

 

"Cần có quy định để kiểm soát được những người có dấu hiệu vi phạm ngay ở giai đoạn kiểm tra, thanh tra trong các vụ việc về quản lý kinh tế, chức vụ, các vụ tham nhũng lớn đặc biệt nghiêm trọng, để tránh việc họ "biệt tăm" như trường hợp Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UNND tỉnh Hậu Giang hay Vũ Đình Duy cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí”

TS Lưu Bình Nhưỡng

Theo Lương Kết (Dân Việt)

Nổi bật