Vụ bắt quả tang người đổi 100 đô la ở Cần Thơ, ngoài anh thợ điện Cà Rê, ông chủ tiệm vàng Thảo Lực, người ta còn chú ý đến cái tên người ký quyết định xử phạt hành chính: ông Phó chủ tịch Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam.
Loạt bài điều tra của báo Tiền Phong về sai phạm nghiêm trọng trong vụ gian lận thi tuyển công chức ở Cục QLTT hồi ông Trương Quang Hoài Nam làm Cục trưởng và Chủ tịch Hội đồng thi tuyển, vẫn còn nguyên trên trang từ năm 2014.
Phát biểu của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương khi ấy, bây giờ đọc lại vẫn còn thấy nguyên sức nóng: "Lẽ ra trong vụ việc sai phạm thi tuyển công chức tại Bộ Công Thương, nếu làm đến cùng phải xem lại tư cách đạo đức của ông Trương Quang Hoài Nam.
Đây là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên". Ông Cương cũng cho rằng lẽ ra vụ việc phải khởi tố chứ không thể chỉ xử lý hành chính.
Ngày 3/4/2014, HĐND Cần Thơ họp phiên bất thường, bầu bổ sung ông Hoài Nam vào chức Phó chủ tịch thành phố.
Tuy là cuộc họp bất thường nhưng lại bình thường, vì nó phù hợp với quy trình pháp luật. Điều bất thường ở chỗ khác: Tại sao một cán bộ mắc sai phạm như vậy, "nổi tiếng" trên công luận như vậy, lại được cất nhắc vào vị trí còn oai oách hơn trước khi sai phạm?
Việc công an bắt quả tang anh Cà Rê đổi ngoại tệ ở tiệm vàng Thảo Lực, tuy bất ngờ với nhiều người, nhưng phải khẳng định là việc làm đúng pháp luật.
Dù anh Rê có là chim mồi hay không, thì việc đổi ngoại tệ ở một cơ sở không được cấp phép, vẫn vi phạm pháp luật. Chả có oan khiên gì với anh Cà Rê lẫn ông chủ tiệm vàng. Sai thì phải chịu.
Nếu ai làm sai đều phải chịu trả giá, thì không có điều gì phải nói thêm.
Nhưng khi chữ ký của ông Trương Quang Hoài Nam xuất hiện trong quyết định xử phạt hành chính, thì dư luận có quyền đặt câu hỏi: Hậu quả của việc đổi 100 đô la của một người dân thiếu hiểu biết pháp luật, so với hậu quả sai phạm của việc thi tuyển công chức ở Cục QLTT, cái nào nghiêm trọng hơn?
Đều là sai phạm, nhưng anh Cà Rê bị phạt 90 triệu, tiệm vàng bị phạt hàng trăm triệu, tịch thu nhiều vàng bạc quý giá, còn ông Trương Quang Hoài Nam thì vẫn rộng mở quan lộ. Tại sao vậy?
Cách đây không lâu, sự gian lận của Khải silk đã phải trả giá đắt hơn bình thường rất nhiều, bởi trước đó, ông Khải luôn đi rao giảng về đạo đức kinh doanh, khởi nghiệp tử tế.
Năm ngoái, tại Hồ Bắc (Trung Quốc) Trần Tuyết Phong, GS, TS, Kỹ sư kinh tế cao cấp, anh hùng lao động, Phó tỉnh trưởng Hà Nam, Bí thư thành ủy Lạc Dương, đại biểu Quốc hội, đã bị xử tù chung thân, tịch thu toàn bộ tài sản và tước quyền chính trị suốt đời vì tội tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền.
Phong đã nhận hối lộ 125 triệu NDT, tham ô 5,47 triệu NDT, gây thiệt hại của công tới 224 triệu NDT.
Dư luận đã không phẫn nộ đến dường ấy, nếu trước đó, Phong không xây dựng cho mình hình ảnh của một quan chức trí thức thanh liêm nổi tiếng. Phong thường xuyên đi nói chuyện, rao giảng về đạo đức và sự liêm chính.
Với chức trách của mình, việc ký quyết định xử phạt hành chính với anh Cà Rê của ông Trương Quang Hoài Nam, đương nhiên là đúng pháp luật.
Nhưng chữ ký ấy có mang lại cảm giác tâm phục khẩu phục, mang lại suy nghĩ về sự tôn nghiêm, công bằng của pháp luật hay không, thì lại là chuyện hoàn toàn khác.
Chắc chắn, như thường lệ, người ta sẽ nói việc bổ nhiệm ông Nam là đúng quy trình, đúng pháp luật (nếu không thì sao suốt 4 năm nay nhân sự ấy vẫn yên ổn?).
Nhưng cái sự đúng quy trình ấy có đem lại sự an tâm cho dân hay không, cũng là chuyện hoàn toàn khác.
Trong cuộc họp báo của công an Cần Thơ, có hai chi tiết ám ảnh nhưng chưa được làm rõ. Đó là câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ: Tại sao lệnh khám xét nhà chủ tiệm vàng do Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều lại ký trước thời điểm bắt quả tang - khám xét tiệm vàng, những 6 ngày?
Trước câu hỏi kịch tính ấy, vị đại diện công an trong họp báo trả lời: Việc khám xét nhà là đúng quy định.
Nếu đây là câu trả lời của học sinh tiểu học, chắc chắn cô giáo sẽ phê: "Lạc đề" hoặc "không hiểu đề" và bắt làm lại.
Câu hỏi thứ hai cũng kịch tính không kém: Vì sao kim cương gia đình ông Lực để trong tủ, không bày bán nhưng vẫn bị tịch thu? Vị đại diện công an trả lời: "Ông Lực không khiếu nại vấn đề này nên tôi không đề cập và không xem xét trả lời".
Nếu là cô giáo dạy tiểu học, quý độc giả sẽ phê thế nào vào bài kiểm tra này? Ông Lực, vì lý do nào đó, có thể không khiếu nại, nhưng đây là một cuộc họp báo và câu hỏi đó của nhà báo. Người dân, với vai trò giám sát, có quyền biết sự thật về chi tiết rất nhạy cảm này.
Câu chuyện "không khiếu nại" khiến tôi nhớ đến một cuộc đối đầu hoàn toàn không cân sức trong vụ quán cà phê Xin Chào nổi tiếng ở Bình Thạnh, TP.HCM.
Bao nhiêu người kinh doanh ở Việt Nam dám làm cái việc đối đầu với đại tá Quý, trưởng CA Bình Chánh, như ông chủ quán Tấn? Nếu báo chí và những lãnh đạo cao cấp nhất không vào cuộc quyết liệt, biết đâu giờ này ông Tấn đang chăn kiến sau song sắt?
Thoát được kiếp nạn cận kề đó, ông Tấn đã nghẹn ngào "Hôm nay, Thủ tướng đã tái sinh tôi một lần nữa" – khi cảm ơn sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Một cửa hàng thực phẩm sạch bé con con ở Hà Nội, mới mở cửa được 1 tháng mà đã phải tiếp đến 14 đoàn thanh kiểm tra, nhưng ông chủ của nó chỉ biết cắn răn chịu đựng. Biết kêu ai, khiếu nại ai? Ông bảo: "Muốn yên ổn kinh doanh, sao dám đối đầu với nhà công lực?"
Cho nên, ở Việt Nam, nhiều khi doanh nghiệp "không khiếu nại gì" không có nghĩa là họ không có nỗi niềm cay đắng.
Và giống như nhiều vụ khác, có hay không chuyện cài bẫy, chỉ người trong cuộc mới kết luận được. Nhưng cách trả lời với nhiều chi tiết "lạc đề" của vị đại diện công an Cần Thơ trong họp báo, lại tạo ra khoảng trống mênh mông cho những cái bẫy băn khoăn lớn trong dư luận.
Chẳng có một cái bẫy nào hại được người, nếu nó được đặt trong một môi trường minh bạch và không có góc tối. Bẫy sẽ lập tức lộ mặt.
Chẳng có một quyết định xử phạt nào tôn vinh được pháp luật, được sự công bằng, nếu nó được ký bởi những người đang mắc nợ đầm đìa luật pháp.
Theo Bùi Hải (Soha/Trí Thức Trẻ)