Bị dụ dỗ sang Trung Quốc làm việc lương cao
Cuối tháng 4, Công an Trung Quốc giao trả cho Công an Việt Nam hơn 100 cô gái nhập cư bất hợp pháp vào nước này. Trong số đó có Đỗ Thị Thanh Mai (19 tuổi, ngụ xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, Thái Bình).
Về Việt Nam sau hơn một năm lang thang nơi đất khách, Mai kể: Em và 11 người Việt Nam khác cùng ở tỉnh Phúc Kiến được Công an Trung Quốc dồn chung vào với khoảng 100 người ở các tỉnh khác bên đó, đưa về cùng đợt.
Theo Mai, đầu năm 2015 em làm công nhân tại một khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên thì gặp Bùi Quang Phương và Bùi Thị Thuần. Vì cùng quê nên em tin tưởng khi hai người rủ sang Trung Quốc làm việc lương cao. “Họ cũng cho hay là đã từng đi làm ở một xưởng sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc nên muốn giúp em” - Mai nói.
Theo hai người sang Trung Quốc, Mai được đưa vào làm việc ở nơi không như lời hứa, lương thấp. Sau đó Mai bị tách sang làm chung với một nhóm người quê Thanh Hóa.
“Em cứ lang thang, làm ở hết nơi này đến nơi kia, toàn việc nguy hiểm, nặng nhọc. Được mấy tháng thì một người trong nhóm liên lạc với chị tên Hồng đang sống cùng chồng ở Trung Quốc, nhờ chị này tìm việc khác. Chị Hồng đã cho cả nhóm ở một nhà trọ, bảo đợi. Ở nhà trọ khoảng nửa tháng sau, chị ấy đến, bảo em lên xe đi đến nơi làm việc mới” - Mai kể.
Các nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc được giao trả cho Công an Việt Nam. |
Sau khi lên xe, người này đưa em đến tỉnh Phúc Kiến giao cho một phụ nữ tên Chân. Hai người buộc em phải lấy chồng Trung Quốc. Người này hứa sau khi lấy chồng, gia đình sẽ nhận một khoản tiền và cho hay “không còn cách nào khác”.
“Họ bán em cho một gia đình người Trung Quốc với giá 26.000 tệ (khoảng 80 triệu đồng) và không hề gửi đồng nào về gia đình em như đã hứa” - Mai kể và cho hay: Nhà chồng không cho em dùng điện thoại. Đi làm thì họ giao Mai cho một bà thím bên chồng trông chừng rất chặt. Bà thím chồng là một phụ nữ Việt, quê gốc ở Hải Phòng, cũng bị bán sang Trung Quốc và lấy chồng tương tự như Mai.
Trong một lần không ai để ý, Mai lấy trộm điện thoại liên lạc về cho mẹ, nhờ người nhà đi báo công an. Gia đình đã đến Công an tỉnh Thái Bình trình báo.
“Được công an hướng dẫn, chúng tôi liên lạc, bảo cháu nhắn rõ địa chỉ đang ở và chúng tôi cung cấp lại cho công an. Sau đó các cơ quan chức năng đã phối hợp với Công an Trung Quốc đưa cháu về nước” - người thân em Mai kể.
“Biết ơn” kẻ lừa mình
Theo Mai, khi sống ở nhà chồng bên Trung Quốc, em gặp một phụ nữ 28 tuổi cùng cảnh ngộ. “Chị ấy kể cũng bị bà Chân bán cho một gia đình. Bị vắt kiệt sức, chị ấy rủ em trốn về Việt Nam nhưng em không dám vì sợ bị bắt lại.
Sau khi em gửi thông tin về nhà, đầu năm 2016, công an Trung Quốc đến đưa em vào trại giam, ba tháng sau thì đưa em về biên giới. Trong số người về cùng đợt, em không thấy người phụ nữ rủ em bỏ trốn trước đó… Trong làng em có sáu người bị bà Chân bán như vậy” - Mai kể.
Theo Mai, tất cả những người sang Trung Quốc rồi bị bán làm vợ như cô đều tin những người đưa mình sang đấy để kiếm việc theo một “công thức” tương tự: Sang làm việc một thời gian rồi bị bán làm vợ cho một gia đình nào đó. Tuy nhiên, họ vẫn tin những người đưa họ ra nước ngoài xuất phát từ lòng tốt, muốn giúp đỡ kiếm tiền nhiều hơn.
“Khi mới qua, họ thường xuyên liên lạc, chỉ sau khi em bị bán làm vợ, liên lạc mới đứt” - cô gái vẫn tin rằng hai người đưa họ ra nước ngoài bất hợp pháp là “người tốt”…
Nghi vấn đường dây mua bán người tinh vi
Nhận được tin từ Mai, gia đình em đã đến thị trấn Hưng Nhân tìm gặp hai người đưa em ra nước ngoài trái phép nhưng họ cho hay là không chịu trách nhiệm vì Mai tự nguyện đi theo.
“Khi Mai mất tích, gia đình đã trình báo. Từ năm 2015 đến khi em trở về, công an tỉnh vẫn liên tục gọi về địa phương để xác minh và cập nhật tình hình của cô gái này” - ông Trần Ngọc Thành, Trưởng Công an xã Tân Lễ, nơi Mai sinh sống cho hay.
Chúng tôi liên hệ với công an nơi hai người đưa Mai ra nước ngoài, ông Trần Hữu Phong, Trưởng Công an thị trấn Hưng Nhân, cho biết ông không nắm được thông tin. Tìm đến khu Vân Đông, thị trấn Hưng Nhân thì ông Bùi Văn Học, trưởng khu dân cư Vân Đông thông tin: Công an thị trấn có đến nhà tìm hiểu thông tin về Phương. Hiện người này không có mặt tại địa phương”.
Theo một công an Thái Bình, có khả năng đây là đường dây mua bán người tinh vi với thủ đoạn rủ rê, dụ dỗ sang nước bạn làm việc bằng con đường bất hợp pháp. Vì những người bị đưa ra nước ngoài rồi bị bán không nghĩ mình bị lừa nên không hợp tác, làm công an khó khăn trong việc điều tra.
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.
Nhiều thủ đoạn mua bán người Tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt - Trung ở mức báo động, ngày càng xuất hiện nhiều chiêu thức mới. Giàng Seo Vu, trú xã Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai) sang tận Hà Giang, giả vờ yêu rồi dẫn người nhà đến hỏi cưới cô gái trẻ ở huyện Xín Mận. Sau đó Vu dẫn cô dâu sắp cưới sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm. Sau đó Vu dụ các cô trốn, bán tiếp các cô vào sâu bên trong nội địa. Các thanh niên 9X lên mạng làm quen với các cô gái trẻ, kết nghĩa anh em, bao các cô gái ăn uống, “đập đá” rồi dụ sang Trung Quốc bán. Có trường hợp giả làm đại gia, đến các quán bar, cà phê vung tiền mua chuộc tình cảm của những sinh viên đi làm thêm rồi lừa bán sang Trung Quốc. Công an Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp giải cứu hàng trăm nạn nhân, có cả trẻ em, trẻ sơ sinh và đang tiếp tục phối hợp triệt phá loại tội phạm này. Chúng tôi đang điều tra vụ việc liên quan đường dây của Bùi Quang Phương và Bùi Thị Thuần lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc. Theo thông tin ban đầu mà công an nắm được, cháu Mai được Thuần và Phương đưa sang Trung Quốc để làm ăn. Khi sang nước bạn, Mai bị bán cho một người Trung Quốc. Hiện Phương và Thuần vẫn còn ở bên đó và Công an tỉnh Thái Bình vẫn liên hệ chặt chẽ với Công an Trung Quốc để tìm hai người này để làm rõ hành vi đưa người trái phép qua biên giới. Chúng tôi đang điều tra. Đại tá Nguyễn Đình Trung |
Theo Hải Đường (Pháp Luật TPHCM)