Như VietNamNet đã đưa, Công an tỉnh Hải Dương vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Tuấn Anh (32 tuổi, trú tại KĐT Times City, Hà Nội) vì điều hành đường dây cá cược tỷ giá Bitcoin thông qua mạng Internet, với tổng giao dịch gần 2.000 tỷ đồng.
Các đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, có kinh nghiệm, có tổ chức.
Trong vài năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ án liên quan đến tiền ảo bị khởi tố, xử lý hình sự, dù Việt Nam vẫn thiếu văn bản pháp luật điều chỉnh về tiền ảo và các hoạt động phát sinh từ tiền ảo.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong vụ án trên, nếu xác định bị can đã tổ chức hệ thống đánh bạc trên sàn giao dịch để lôi kéo người khác cá cược (được thua bằng tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào) nhằm mục đích trục lợi, hành vi này sẽ bị xử lý về tội Tổ chức đánh bạc.
Kể cả khi các đối tượng này sử dụng đồng tiền ảo trong các giao dịch đặt cược hay đặt cược dựa trên tỷ giá của đồng tiền ảo, hành vi này sẽ vẫn bị xử lý về tội Tổ chức đánh bạc.
Theo luật sư, dưới góc độ pháp luật, nước ta không thừa nhận tính pháp lý của các đồng tiền ảo. Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: “Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định trên.
Theo Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 của NHNN thì “tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Cần có khung pháp lý rõ ràng
Thực tiễn thời gian gần đây, các CQĐT vẫn khởi tố, xử lý hình sự các tội phạm liên quan đến tiền ảo. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ về tiền ảo, giá trị của tiền ảo và truy vết dòng tiền ảo bị chiếm đoạt trong các vụ án cũng gặp khó, do các giao dịch mua bán tiền ảo không được Nhà nước thừa nhận và không có cơ sở pháp lý để định giá, quy đổi số tiền ảo ra Việt Nam đồng.
Tuy nhiên, trong nhiều vụ án, CQĐT vẫn thu giữ được chứng cứ vật chất là toàn bộ lịch sử nạp, rút tiền ảo trên các ví điện tử của các đối tượng trước và sau khi chuyển đổi tiền ảo trên sàn giao dịch.
Với các vụ án này, CQĐT đều quy đổi tiền ảo ra giá trị tiền thật để xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay, về định hướng quản lý đối với tiền ảo tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo.
Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành văn bản pháp luật chính thức nào điều chỉnh về tiền ảo và các hoạt động phát sinh từ tiền ảo.
Theo ông Đặng Văn Cường, cần cấp thiết ban hành các văn bản pháp luật quy định trực tiếp tính pháp lý của tiền ảo để chủ động hội nhập, cũng như ứng phó với tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
Với việc quy định một khung pháp lý rõ ràng, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có căn cứ pháp lý và định hướng xử lý, giải quyết thống nhất liên quan đến tiền ảo.
Theo T.Nhung (VietNamNet)