Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đơn vị đã bắt giữ "bà trùm" buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường, 52 tuổi) theo lệnh truy nã đặc biệt về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. 7 đối tượng khác liên quan vụ án này đã đầu thú khi “bà trùm” Mười Tường bị bắt.
“Bà trùm” Mười Tường cầm đầu đường dây buôn lậu 51kg vàng qua biên giới trái phép từ biên giới Campuchia vào khu vực thuộc khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc mà Công an tỉnh An Giang triệt phá trưa ngày 30/10/2020.
Khám xét nơi ở và 15 địa điểm là cửa hàng kinh doanh vàng và nhà ở của một số đối tượng có liên quan đến đường dây buôn lậu của Kim Hạnh trên địa bàn thành phố Châu Đốc và huyện An Phú, Cơ quan điều tra đã thu giữ được khoảng 36kg vàng; 1,27 triệu USD; hơn 1,7 tỷ VNĐ; nhiều thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính, đầu thu camera…) và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hành vi giao dịch tiền, vàng qua biên giới của các tiệm kinh doanh vàng và của các đối tượng có liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ, vàng qua biên giới là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, tùy theo giá trị của số vàng, số kim loại quý và số ngoại tệ được vận chuyển trái phép qua biên giới mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 2, Ðiều 13 Nghị định 128/2020/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Trường hợp vận chuyển, nhằm mục đích buôn bán, tìm kiếm lợi nhuận qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật, có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo Ðiều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội buôn lậu.
Trong vụ án hình sự vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới nêu trên, đối tượng Nguyễn Thị Kim Hạnh cùng đồng phạm có thể bị phạt đến 10 năm tù và bị tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội buôn lậu hay không?. Trường hợp đủ căn cứ để xử lý về hành vi buôn lậu sẽ khởi tố thêm tội danh này để xử lý các đối tượng có liên quan theo quy định pháp luật.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, việc các đối tượng có hành vi buôn lậu có lẽ không phải là gì xa lạ. Buôn lậu qua biên giới thường với nhiều loại mặt hàng, hàng hóa, thủ đoạn tinh vi.
Tuy nhiên, buôn lậu vàng có lẽ là hiếm thấy và khó có thể phát hiện ra. Trong vụ án này, số lượng vàng mà các đối tượng buôn lậu là khá lớn, giá trị không hề nhỏ, có thể nhận định rằng các đối tượng có tổ chức chặt chẽ, có thể đã thực hiện được nhiều vụ trót lọt. Do vậy, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Tùng cho rằng, đối với hành vi buôn lậu hàng hóa qua biên giới có thể bị xử lý rất nặng. Cụ thể, điều 188 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội buôn lậu cụ thể như sau:
Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
"Như vậy, trong vụ việc nêu trên, sau khi quy đổi giá trị của số vàng buôn lậu ra cơ quan chức năng sẽ xác định được mức phạt cụ thể đối "bà trùm" Mười Tường và các đối tượng khác. Mức phạt cao nhất cho tội buôn lậu có thể lên tới 20 năm tù", luật sư Tùng cho biết.
Pháp luật quy định thế nào về kinh doanh vàng miếng:
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định:
Điều 10. Quản lý hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng
Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Điều 11. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng
1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
b) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
c) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên.
d) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
đ) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
b) Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
c) Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng, vàng miếng (vàng miếng do các tổ chức kinh doanh vàng được Ngân hàng nhà nước cấp phép dập vàng miếng) công nhận những quyền cơ bản sau đây của người dân: quyền sở hữu và cất trữ vàng miếng, quyền mua bán, trao đổi vàng miếng, quyền gửi vào và rút ra vàng miếng tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng...
Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)