Như đã đưa tin, ngày 17/9 trên mạng xã hội xuất hiện một lá thư được cho là của nghi phạm Bùi Xuân Hồng (sinh năm 1958, trú tại tổ 2, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên). Người này cũng được xác định là Cựu phó Giám đốc một công ty xi măng.
Lá thư này được cho là viết trước ngày gây án, trong lá thư cũng nhắc đến số tiền 3 tỷ đồng mà gia đình cháu rể vay mượn không trả.
Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên xác định, lá thư này chính xác là do ông Hồng viết trước khi gây án. Việc lá thư xuất hiện trên mạng xã hội không phải do cơ quan công an đăng tải mà có thể do phía gia đình nghi phạm Hồng đăng tải.
Trước vụ việc này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh thông luật (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông Hồng có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi vụ án được đưa ra xét xử.
Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, để có một quyết định giải quyết vụ án đúng đắn đòi hỏi việc chứng minh phải khách quan, trung thực, chính xác nhằm xử đúng người đúng tội.
Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự như sau: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; Có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; Có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; Mục đích, động cơ phạm tội; Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;…
Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là những vấn đề được chứng minh khi điều tra, truy tố và xét xử.
Các tình tiết này được quy định tại điều 51 và 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các đặc điểm đặc trưng cho nhân thân người phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Theo Luật sư Bình chia sẻ, đối với trường hợp của ông Bùi Xuân Hồng, căn cứ vào Điều 51 Bộ luật hình sự quy định, có thể áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: tình tiết phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án…
"Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Như vậy trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét các tình tiết giảm nhẹ để quyết định hình phạt phù hợp", luật sư Bình phân tích.
Cũng theo Luật sư Bình, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tích cực làm rõ.
Như đã đưa tin, vụ việc xảy ra vào khoảng 18h30 tối 14/9, ông Bùi Xuân Hồng mang theo dao, súng và một can xăng đến nhà em gái là bà Bùi Thị Hà (trú tại phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên) để giải quyết mâu thuẫn.
Trong lúc nói chuyện, 2 bên xảy ra xô xát, ông Hồng dùng dao đâm khiến 2 người tử vong là bà Hà và ông Nguyễn Văn Thành (65 tuổi, chồng bà Hà). Bên cạnh đó, anh Nguyễn Thành Vương (38 tuổi, con rể của bà Hà) cũng bị thương và đang được điều trị tại bệnh viện.
Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng bước đầu xác định vợ chồng anh Vương trước đây có vay mượn 3 tỷ của ông Hồng để làm ăn nhưng do thua lỗ nên đến giờ vẫn không trả.
Bên cạnh đó, bà Hà cũng vay của ông Hồng 600 triệu đồng. Sau nhiều lần ông Hồng không đòi được đã đem lòng ấm ức nên đã ra tay truy sát cả gia đình em gái.
Đến ngày 16/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Bùi Xuân Hồng để điều tra về hành vi giết người.
Theo Long Quyền (Nhịp Sống Việt)