'Bóng ma' Địa ốc Alibaba ngông cuồng như thế nào trước khi hai lãnh đạo bị bắt?

20/09/2019 08:11:45

Sau những lùm xùm của công ty Địa ốc Alibaba trong thời gian dài, bắt đầu từ vụ Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM) cách đây gần 2 năm đến việc phân phối hàng loạt dự án “ma” tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận… hai lãnh đạo của của công ty Địa ốc Alibaba chính thức vướng vòng lao lý.

Vẽ dự án "ma" ngang nhiên rao bán

Như báo Người Đưa Tin đã đưa, rạng sáng 19/9, lực lượng chức năng đã hoàn tất công tác khám xét trụ sở công ty Địa ốc Alibaba (đường Kha Vạn Cân, Quận Thủ Đức, TP.HCM) tiến hành đưa ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT công ty Địa ốc Alibaba và Tổng Giám đốc công ty ông Nguyễn Thái Lĩnh (em trai ông Luyện) lên xe biển xanh rời khỏi trụ sở của công ty này.

'Bóng ma' Địa ốc Alibaba ngông cuồng như thế nào trước khi hai lãnh đạo bị bắt?
Công an đưa ông Luyện lên xe công vụ lúc rạng sáng ngày 19/9.

Cùng với đó lực lượng chức năng dùng một chiếc xe tải thùng chở nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đưa đi để phục vụ công tác điều tra. Sau đó, tất cả nhân viên của công ty này được lực lượng chức năng cho về.

Trước khi 2 lãnh đạo công ty Địa ốc Alibaba là ông Nguyễn Thái Luyện và ông Nguyễn Thái Lĩnh bị khởi tố và bắt giam, công ty này từng “dính” nhiều tai tiếng về rao bán dự án "ma" tại địa bàn các tỉnh như: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và mới đây nhất là Bình Thuận.

Tại TP.HCM, vào cuối năm 2017, công ty Alibaba rao bán dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi) do công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM làm chủ đầu tư.

Ngay sau đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã phát đi văn bản số 129/CV-HoREA cảnh báo thông tin sai sự thật của công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM về dự án Alibaba Tây Bắc, huyện Củ Chi với nội dung công ty này tự xưng là chủ đầu tư và thu tiền của nhiều khách hàng trái quy định pháp luật.

Tiếp đó, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị sở Xây dựng cấm công ty Địa ốc Alibaba tham gia các dự án này.

Đồng thời, phối hợp với cục Cảnh sát điều tra Tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - bộ Công an và phòng CSĐT Tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) - Công an TP.HCM để xử lý Alibaba theo quy định.

Kết quả, công ty Địa ốc Alibaba đã phải trả lại tiền cọc và tiền đặt chỗ cho khách hàng.

'Bóng ma' Địa ốc Alibaba ngông cuồng như thế nào trước khi hai lãnh đạo bị bắt? - 1
Cơ quan chức năng tiến hành khám xét trụ sở công ty Địa ốc Alibaba.

Tại Đồng Nai, công ty Địa ốc Alibaba đã rao bán 29 khu đất phân lô bán nền, nhiều nhất ở huyện Long Thành có 27 khu, đặc biệt có đến 21 khu đất cùng ở xã Long Phước, huyện Long Thành. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai nhiều lần khẳng định trên địa bàn không có bất cứ dự án nào của Alibaba được cấp phép, cũng như được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Mới đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, một công ty do các cổ đông của Alibaba thành lập vừa khai trương ở TP.Biên Hòa đã bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính 15 triệu đồng vì "dối trá" dựng bảng hiệu trước trụ sở chi nhánh trái quy định với dòng chữ Tập đoàn Địa ốc Alibaba.

Tại Bình Thuận, UBND tỉnh này cũng có văn bản liên quan đến việc xử lý một số dự án bất động sản “ma” trên địa bàn. Cơ quan chức năng xác định việc công ty Địa ốc Alibaba rao trên mạng phân lô, bán nền dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City và Ali Venice City tại huyện Hàm Tân là không đúng sự thật và không đúng quy định của pháp luật.

'Bóng ma' Địa ốc Alibaba ngông cuồng như thế nào trước khi hai lãnh đạo bị bắt? - 2
Nhân viên Alibaba dẫn khách tham quan dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City.

Sau đó, các xã, huyện trên địa bàn cắm bảng cảnh báo cho người dân về các dự án ma trên. Đồng thời, cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận cũng vào cuộc xác minh những vi phạm của công ty này.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng như các tỉnh thành khác những dự án được công ty Địa ốc Alibaba rao bán công khai tại TX.Phú Mỹ đều chưa được cấp phép đầu tư, không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng, chưa được nghiệm thu hạ tầng, tách thửa….

Theo đó, bước đầu cơ quan chức năng xác định, trong thời gian từ ngày 23/4/2017 đến ngày 9/10/2018, công ty Alibaba đã tham gia 7/8 dự án “ma” tại TX.Phú Mỹ và nhận góp vốn đầu tư của hàng nghìn khách hàng, với tổng cộng 3.333 nền đất, thu về số tiền hơn 771 tỉ đồng.

Tuy nhiên, lúc làm việc với cơ quan công an, đại diện của công ty Alibaba lại không cung cấp địa chỉ, mặc dù đã cung cấp danh sách khách hàng mua.

Qua xác minh, đối chiếu giữa các thông tin liên quan, 7 dự án “ma” do công ty Địa ốc Alibaba phân phối được xác định gồm: Alibaba Tân Thành Center City 1,2,3,4,5,6.

Đỉnh điểm của việc ngang nhiên rao bán của Địa ốc Alibaba buộc chính quyền TX.Phú Mỹ phải mạnh tay xử lý cưỡng chế buộc trả lại nguyên hiện trạng đất nông nghiệp.

Ngày 13/6, khi UBND xã Tóc Tiên phối hợp cùng TX.Phú Mỹ tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định hành chính đối với khu đất dự án Alibaba Tân Thành Center City 5 tại ấp 3, xã Tóc Tiên đã bị 60-70 nhân viên công ty Alibaba gây rối, cản trở và đập phá xe múc đoàn cưỡng chế.

'Bóng ma' Địa ốc Alibaba ngông cuồng như thế nào trước khi hai lãnh đạo bị bắt? - 3
Nhân viên Alibaba chống lệnh cưỡng chế, đập phá xe múc của cơ quan thực thi nhiệm vụ.

Đến ngày 22/7, UBND TX.Phú Mỹ tiếp tục cưỡng chế thực hiện quyết định hành chính với khu đất thứ 2 mang tên dự án Alibaba Tân Thành Center City 1 tại xã Châu Pha.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 22/6 cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam đối với hai nhân viên Alibaba là Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, SN 1995, quê Tiền Giang và Trần Quốc Tĩnh, SN 1995, quê Đà Nẵng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản và Gây rối trật tự công cộng.

Sau đó, đến ngày 29/8 thêm 2 nhân viên bảo vệ của công ty này cũng đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi trên.

Từ ngông cuồng, thách thức dư luận... đến bị bắt giam

Điều đáng nói, cùng với việc rao bán dự án không có thật ở các tỉnh trên, chính “ông chủ” Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện từng có những phát ngôn "ngông cuồng" trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận.

Kết quả, ông Luyện bị công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mời lên làm việc, đối chất. Sau đó, bị Thanh tra sở Thông tin & Truyền Thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xử phạt hành chính vì "lộng ngôn".

'Bóng ma' Địa ốc Alibaba ngông cuồng như thế nào trước khi hai lãnh đạo bị bắt? - 4
Ông Luyện tại Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ việc cơ quan chức năng thực hiện quyết định cưỡng chế dự án "ma' do Địa ốc Alibaba phân phối đất nền đến việc khởi tố, bắt giam Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh để điều tra làm rõ về hành cố ý làm hư hỏng tài sản.

Vào tối 17/6, ông Luyện đã có những lời nói được cho là miệt thị chủ tịch xã, công an xã Tóc Tiên và chủ tịch TX.Phú Mỹ tại buổi tọa đàm với nhân viên được phát trực tiếp trên mạng xã hội về nội dung: “Sự việc cưỡng chế sai quy định của pháp luật – Địa ốc Alibaba làm gì để vượt qua?” diễn ra tại Tòa nhà Địa ốc Alibaba.

Ngay sau khi đoạn clip livestream của ông Luyện được đăng tải đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến dư luận rất bức xúc. Không ít người tỏ ra phẫn nộ với những lời nói trong đoạn clip trên.

Sau khi xác minh, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có giấy mời ông Luyện lên làm việc và chuyển hồ sơ vụ việc qua Thanh tra sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xử lý, xử phạt hành chính 15 triệu đồng về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Điều đặc biệt, không chỉ "ông chủ" ngông cuồng mà ngay cả nhân viên công ty này cũng hành xử rất "giang hồ".

Tại trụ sở công ty Địa ốc Alibaba, ngày 22/7 vừa qua trong khi một khách hàng lên công ty này đòi nhận lại tiền sau khi mua nền đất trong một dự án đã bị cưỡng chế, thì bị nhân viên an ninh tên Trần Quang Khải đánh phải nhập viện.

Đến ngày 30/8, đối tượng Khải bị khởi tố, bắt giam về hành vi cố ý gây thương tích.

Theo Hoàng Hưng (Nguoiduatin.vn)