Bỏ án tử với người từ 75 tuổi trở lên?

29/08/2015 08:42:40

Các nội dung xoay quanh việc bỏ án tử hình trong một số tội phạm ma túy hay với người từ 75 tuổi trở lên… đã được nhiều đại biểu góp ý trong hai hội thảo về BLHS (sửa đổi) do HĐND TP.HCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức ngày 28-8.

Các nội dung xoay quanh việc bỏ án tử hình trong một số tội phạm ma túy hay với người từ 75 tuổi trở lên… đã được nhiều đại biểu góp ý trong hai hội thảo về BLHS (sửa đổi) do HĐND TP.HCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức ngày 28-8.
Khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 39 dự thảo BLHS (sửa đổi) dự liệu không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên.
 
Hai luồng quan điểm
 
Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) và nhiều đại biểu khác đồng tình với điều này vì cho rằng đây là một hướng để góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế. Đồng thời, điều này mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là đặc ân của Nhà nước đối với người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ, được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. “75 là tuổi hiếm trong xã hội hiện đại, luật nên vì cái chung” - luật sư Hòa nói.
 
Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác lại đề nghị không nên bổ sung điều này vì thực tế tuổi thọ trung bình nước ta đã được nâng cao hơn trước. Mặt khác, người 75 tuổi vẫn có thể là người chỉ huy các băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Ông Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP.HCM) cũng đồng tình: “Pháp luật hình sự coi người từ 70 trở lên là người già và đã có những tình tiết giảm nhẹ với bị cáo là người già khi HĐXX lượng hình. Do đó, cứ để HĐXX khi giải quyết vụ án cân nhắc chứ không nên bỏ việc kết án tử hình hay bỏ việc thi hành án tử hình với các đối tượng này”.
 

Nhiều ý kiến không đồng tình bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm ma túy. Trong ảnh: Xét xử một vụ án ma túy lớn tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

 
Không thể bỏ án tử với tội phạm ma túy
 
Một nội dung khác của dự thảo đã bị nhiều đại biểu phản đối là bỏ hình phạt tử hình đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.
 
Với kinh nghiệm 37 năm làm trong ngành tòa án, ông Nguyễn Đức Sáu cho rằng bỏ án tử hình với các tội phạm này là không ổn vì thực trạng hoạt động tội phạm liên quan đến ma túy rất phức tạp, người vi phạm dùng đủ cách để che giấu hành vi. “Nếu bỏ thì việc phạm pháp sẽ rộ lên và tội phạm không được xử lý triệt để bởi thực tế cho thấy những người có hành vi vận chuyển, tàng trữ, chiếm đoạt thường là đồng phạm đắc lực đối với người chủ mưu giấu mặt. Do đó, đối với tội liên quan đến ma túy thì quy định phải nghiêm và việc áp dụng cũng phải nghiêm” - ông Sáu đề xuất.
 
Luật sư Lý Thị Tố Mai (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng không thể bỏ án tử hình bởi hậu quả do ma túy gây ra là khôn lường, làm băng hoại xã hội, làm nhiều gia đình tan nát, gieo rắc cái chết và hủy hoại tương lai đất nước, giống nòi… Tương tự, luật sư Nguyễn Thị Đào (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Quy định như dự thảo sẽ tạo ra khoảng hở của pháp luật cho tội phạm lộng hành chứ không phải nhân đạo vì tác hại của ma túy thì ai cũng đã rõ”.
 
Miễn chết nếu khắc phục hậu quả?
 
Điểm c khoản 3 Điều 39 dự thảo dự liệu không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình trong tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn. Đây là một nội dung đã gây rất nhiều tranh cãi và cho tới nay cũng chưa có hồi kết.
 
Hai luật sư Trương Thị Hòa và Nguyễn Thị Đào ủng hộ điều này vì “ngay cả tử hình thì cũng cần khoan hồng. Quy định vậy sẽ góp phần thu hồi tài sản và tìm ra tội phạm mới vì tham nhũng thường có đường dây”. Ngược lại, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM) phản đối: “Tuy chính sách hình sự là nhân đạo nhưng cần phải xem xét toàn diện. Đối với loại tội tham nhũng thì người phạm tội ý thức rất rõ hành vi của mình ngay từ đầu, do đó không thể khoan nhượng được”.
 
Thêm trường hợp xử lý hình sự người trộm cắp
 
BLHS hiện hành quy định trường hợp trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị xử lý hình sự. Điểm d khoản 1 Điều 172 dự thảo bổ sung thêm trường hợp thứ tư là tuy tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng nếu đó là “phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ” thì người trộm cắp sẽ bị xử lý hình sự.
 
Đại diện Công an TP.HCM ủng hộ bổ sung trường hợp này vì giải quyết được bức xúc của người dân bởi có không ít vụ trộm cắp tài sản giá trị không đến 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội (như trộm chó) hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc mưu sinh hằng ngày của người dân nghèo (như trộm phương tiện kiếm sống). Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, thay vào đó tăng cường tuyên truyền sâu rộng, cụ thể về BLHS vì rất nhiều người không hiểu biết pháp luật, có khi phạm tội mà không hay…
 
Theo Phương Loan - Lệ Trinh (Pháp Luật TPHCM)

Nổi bật