Theo các nguồn tin của chúng tôi, cho đến thời điểm này có thể khẳng định Công ty TNHH kỹ thuật số Bigo (đơn vị cung cấp Bigo Live) không nằm trong hệ thống quản lý, cấp phép tại VN.
Công ty Bigo tại TP.HCM chưa có giấy phép về thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện tại VN |
Theo luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM, dù có văn phòng đại diện tại VN nhưng Công ty Bigo tại TP.HCM lại chưa có giấy phép về thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện tại VN.
Theo các quy định hiện hành, hành vi vi phạm này sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Bigo buộc phải nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, ngoài việc bị xử phạt, sau này doanh nghiệp muốn đăng ký giấy phép văn phòng đại diện hay đầu tư vào VN sẽ gặp khó khăn vì thương nhân đã có vi phạm hành chính.
Cơ quan chức năng có thể từ chối cấp phép do năng lực của thương nhân đã xấu đi trong môi trường đầu tư địa phương và có rủi ro sẽ vi phạm tiếp tục trong tương lai.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, Bigo Technology có quan hệ mật thiết với YY, một mạng xã hội đang khá thành công ở Trung Quốc, và có công ty niêm yết ở sàn giao dịch chứng khoán New York.
Giám đốc điều hành của YY là David Xueling cũng chính là người gầy dựng, ông chủ của Bigo Technology.
Từ tháng 10-2014, Tập đoàn YY tham gia vào mạng WeiHui, một ứng dụng di động gọi điện thoại miễn phí, sản phẩm này sau đó được giao cho Bigo quản lý với giá 6 triệu USD và xem đây như là một kênh đầu tư của tương lai.
Hiện nay tại Bigo, YY nắm giữ 27,78% và giám đốc điều hành cùng các nhà đầu tư khác nắm giữ 72,22% vốn chủ sở hữu.
Trong báo cáo tài chính của YY năm 2015, doanh nghiệp này đã xem việc góp vào Bigo là một khoản đầu tư mới, ước tính các nhà đầu tư của YY đổ 15,6 triệu USD vào Bigo.
Giới tài chính cho rằng bản chất giao dịch giữa YY và Bigo cũng khá đặc biệt, YY đã dùng cách chuyển một phần tài sản sang Bigo như một cách đầu tư, kiểm soát Bigo mà không mất một xu thuế nào.
Đáng lưu ý, tại thị trường Trung Quốc, mạng này có tính năng sử dụng đồng tiền ảo mà người dùng có thể kiếm được thông qua các hoạt động trên mạng sau đó có thể chuyển đổi từ tiền ảo sang tiền thật.
Theo luật sư Võ Đan Mạch, cần làm sáng tỏ nhà cung cấp các dịch vụ này có chức năng bán hàng hay không, dù đây là hình thức trao đổi giữa hai người tiêu dùng với nhau nhưng lại qua trung gian, đơn vị cung ứng món hàng đó. Vậy Bigo có được phép bán những sản phẩm đó hay không?
Theo Như Bình (Tuổi Trẻ)