Bị tấn công sau va chạm giao thông và chuyện phòng vệ chính đáng

18/03/2024 08:42:18

Không ít vụ án hình sự xuất phát từ mâu thuẫn do va chạm giao thông, nạn nhân bị bất ngờ tấn công, không biết phải ứng xử sao cho phù hợp và được coi là “phòng vệ chính đáng”.

Thời gian gần đây liên tục xuất hiện các vụ giải quyết mâu thuẫn do va chạm giao thông một cách cực đoan, thiếu kiềm chế. Không ít trường hợp nạn nhân bị bất ngờ tấn công một cách vô lý, không biết phải ứng xử sao cho phù hợp và được coi là “phòng vệ chính đáng”. 

Sáng 13/3, camera hành trình của một phương tiện giao thông đã ghi lại được hình ảnh về vụ va chạm giao thông tại ngã 5, đường Trường Thi – Lê Hồng Phong (vòng xuyến hải quan), thuộc TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đoạn clip cho thấy, một nam thanh niên điều khiển xe máy Honda Air Blade đi vào vòng xuyến, bất ngờ va chạm giao thông với xe ô tô Toyota Vios. Người đi xe máy ngã xuống đường sau đó đã cởi mũ bảo hiểm, "hùng hổ" xông tới đập vỡ cửa kính ô tô, rồi tiếp tục ném mũ bảo hiểm vào người lái ô tô.

Bị tấn công sau va chạm giao thông và chuyện phòng vệ chính đáng
Thanh niên sau khi va chạm giao thông đã dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe. Ảnh chụp lại từ video

Đến ngày 15/3, thông tin từ Hải quan Nghệ An cho biết, nam thanh niên dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính xe ô tô nói trên là ông Phạm Hải Bình (SN 1984), cán bộ làm việc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ (đóng ở huyện Thanh Chương). 

Cán bộ Hải quan này đã bị tạm đình chỉ công tác trong 15 ngày để làm rõ hành vi vi phạm liên quan đến va chạm giao thông. Những người liên quan cũng phải đến làm việc tại Công an phường Hưng Dũng và Công an Thành phố Vinh. 

Một vụ va chạm giao thông khác xảy ra vào chiều ngày 4/3, tại phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Khi đó, ông L.X.T. (SN 1980, ở tỉnh Thái Nguyên) điều khiển ô tô taxi đến cuối phố thì va chạm với 2 người đi xe máy.

Sau va chạm giao thông, hai tài xế đã lao vào đánh nhau. Kết cục khi trở về nhà, ông L.X.T. yếu dần, được đưa vào viện cấp cứu và đến chiều hôm sau đã tử vong do chấn thương sọ não. Ngay trong đêm 5/3, Công an quận Tây Hồ đã bắt Trần Duy Quang (21 tuổi, trú ở Thanh Hóa) là thanh niên liên quan đến vụ ẩu đả này.

Những vụ việc tương tự không phải là hiếm. Rõ ràng việc va chạm giao thông, nếu biết kiềm chế, nó chỉ là sự việc rất nhỏ, nhưng ứng xử không phù hợp có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Văn hóa tham gia giao thông

Trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hiện tượng dùng vũ lực giải quyết va chạm giao thông thể hiện “văn hóa tham gia giao thông” của một bộ phận người dân rất đáng báo động. 

Thay vì nhẹ nhàng giải quyết mâu thuẫn do va chạm giao thông hoặc gọi cho cơ quan chức năng đến giải quyết, không ít người đã quyết mâu thuẫn theo cách cực đoan. Việc này có thể dẫn tới hậu quả đau lòng là các vụ án hình sự như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… 

 

Bị tấn công sau va chạm giao thông và chuyện phòng vệ chính đáng - 1
Luật sư Nguyễn Văn Đồng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo luật sư, khi tham gia giao thông, nếu có va chạm, các bên cần bình tĩnh, nhẹ nhàng giải quyết. Nếu vụ va chạm giao thông khiến một trong các bên không kiềm chế được cảm xúc, có hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng, uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc vụ việc nghiêm trọng, phức tạp…, tốt nhất người dân nên gọi điện báo cho cơ quan chức năng để can thiệp kịp thời.

Người dân cũng cần lưu ý, vi phạm giao thông dẫn tới va chạm chỉ là lỗi hành chính và trách nhiệm bồi thường trên cơ sở lỗi của mỗi bên. Nhưng nếu từ lỗi vi phạm hành chính mà có hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác thì tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà hành vi này sẽ phải chịu thêm trách nhiệm pháp lý khác. 

Trường hợp sau va chạm giao thông mà bị đối phương bất ngờ tấn công, phải làm sao để “phòng vệ chính đáng”?. 

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích: tại Điều 22, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, "phòng vệ chính đáng" là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà “chống trả lại một cách cần thiết” người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. 

Điều đáng chú ý là phòng vệ chính đáng chỉ phát sinh khi hành vi tấn công trái pháp luật gây thiệt hại đến các lợi ích đang hiện hữu xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu hành vi tấn công, xâm hại đã dừng lại thì quyền phòng vệ không còn. Bởi vậy, gây thiệt hại cho người đã có hành vi tấn công trái pháp luật ở thời điểm này là không cần thiết, không phù hợp với mục đích của phòng vệ chính đáng.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Ngoài trách nhiệm hình sự, hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 594 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.