Giang Kim Đạt |
Đạt được giao nhiệm vụ trực tiếp tham mưu và thực hiện chỉ đạo của Tổng giám đốc trong việc tìm kiếm đối tác, đàm phán, thỏa thuận các điều kiện, điều khoản ký hợp đồng mua và quản lý khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển của công ty.
Liêm thống nhất với Đạt tìm kiếm, giao dịch, thoả thuận với công ty bán tàu, công ty môi giới để yêu cầu trích lại số tiền từ 1% đến 5,75% trên tổng giá trị hợp đồng mua 3 tàu và gửi giá cước trong các hợp đồng cho thuê 9 tàu.
Dưới trướng Liêm, Giang Kim Đạt thông qua công ty môi giới đàm phán, thỏa thuận với công ty bán và thuê tàu để lấy tiền hoa hồng hoặc gửi giá vào hợp đồng mua 3 tàu, hợp đồng cho thuê 9 tàu của Vinashinlines, để tiền ngoài sổ sách kế toán nhằm chia nhau chiếm đoạt.
Để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển (SN 1950) là cán bộ nghỉ hưu đứng tên mở nhiều tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng để nhận và rút cho Đạt khoản tiền hoa hồng mua tàu và tiền gửi giá cước cho thuê tàu.
Mỗi lần các công ty nước ngoài thông báo có tiền, Đạt chủ động cân đối và cung cấp số tiền chuyển khoản của ông Hiển cho các công ty nước ngoài chuyển về. Đồng thời, Đạt gọi điện cho bố thông báo về số tiền trong tài khoản để ông Hiển rút và chuyển lại cho Đạt.
Tiền ồ ạt chảy về tài khoản cán bộ nghỉ hưu
Để giúp con trai mình, ông Giang Văn Hiển đã trực tiếp mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng trong nước và 92 lần nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển về với tổng số hơn 269 tỷ đồng. Sau khi tiền về tài khoản, ông Hiển rút ra chuyển cho con trai để Đạt chuyển cho Liêm.
Ông Hiển bị xác định đã sử dụng số tiền bất hợp pháp mà con trai chiếm đoạt được để giao dịch mua 40 bất động sản đứng tên mình và người thân trong gia đình; chuyển nhượng, cho tặng bất động sản, mua đi bán lại 13 xe ô tô và gửi tiết kiệm.
VKSND Tối cao cho rằng, ông Hiển nhận thức được mục đích của việc con trai mình đề nghị mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau là để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng; nhận thức được số tiền các công ty nước ngoài gửi vào tài khoản của mình là bất hợp pháp nhưng vẫn tích cực thực hiện.
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố điều tra đối với ông Hiển về các tội "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có", "Không tố giác tội phạm" và khởi tố bổ sung tội "Tham ô tài sản".
Tuy nhiên, xét hành vi khách quan, ý thức chủ quan của ông Hiển, ngày 27/4, cơ quan điều tra đã thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với ông Hiển sang tội "Rửa tiền".
Hành vi của ông Hiển bị xác định đã phạm vào tội "Rửa tiền" với tài sản có giá trị đặc biệt lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội rửa tiền được quy định tại điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau: 1.Nguời nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp của tiền, tài sản đó; b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thật sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có. 2.... 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm: a) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn; .... 4. Nguời phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |