Không những mang tính cách của con trai, cơ thể của Lan còn phát triển cơ bắp, gân guốc như một thằng đàn ông. Thế nên Lan sợ nhất là soi gương. Bởi khi đó, Lan sẽ phải đối diện với một sự thật phũ phàng về giới tính của mình. Nếu ở trong một hình hài bình thường như những phụ nữ khác, có thể Lan đã có một cuộc đời bình yên hơn, đỡ sóng gió hơn…
Vũ Thị Hương Lan, nữ đạo chích mang hình hài đàn ông. |
Khi Vũ Thị Hương Lan bước ra từ nhà tạm giữ, tôi phải hỏi đi hỏi lại điều tra viên Đội CSHS Công an quận Hoàn Kiếm rằng, các anh có đưa… nhầm người ra không? Bởi trước mặt tôi là một "gã" tóc cắt cua, nước da đen sạm, áo phông đen, quần đùi rộng lụng thụng, chân tay thì gân guốc, dáng đi khệnh khạng. Khi ngồi xuống ghế, "gã" ngồi đúng kiểu của một thằng đàn ông, hai chân dang rộng và khẽ rung đùi. "Gã" nhìn tôi với ánh mắt sắc nhọn, bất cần khiến tôi cũng hơi chờn chợn.
Dường như bắt gặp ý nghĩ của tôi, "gã" cười bảo mấy lần xin vào lớp học võ, thầy "xem tướng" cho "gã" rồi từ chối dạy với lý do gã có đôi mắt của một sát thủ. Đến giờ phút này, "gã" chưa gây tội ác như thầy phán. Nhưng cũng chả có kẻ nào bắt nạt được "gã", dù thực chất, "gã" là một người đàn bà. Bi kịch của "gã" chính là ở chỗ ấy. Một người đàn bà trong hình hài, tính cách của thằng đàn ông.
"Em ghét cái tên Hương Lan nhất trên đời" - nữ đạo chích mở đầu câu chuyện rồi kể: Lúc mới sinh bố mẹ định đặt tên là Thanh Tuyền. Hồi đó mốt đặt tên con theo các ca sĩ nổi tiếng. Nhưng gần nhà có bà cụ tên Tuyền. Sợ phạm vào bà cụ, bố mẹ đổi tên thành Hương Lan. Sau này lớn, Lan thích mọi người gọi mình là Tuyền. "Cái tên Tuyền nghe đàn ông hơn" - Lan giải thích.
Để cho giống hẳn phái nam, Lan không để tóc dài mà lúc nào cũng cắt trọc. "Mấy hôm bị bắt nên tóc dài ra nhiều. Chưa bao giờ em để dài thế này. Bình thường mọi người gọi em là Tuyền trọc" - Lan kể chuyện bằng một chất giọng cũng khá đặc biệt, vừa trầm, ồm như đàn ông, pha lẫn chất "kim" của phụ nữ. "Từ trước đến nay em chỉ mặc áo phông, quần bò, quần ka ki nam. Em không thích đồ nữ bao giờ. Lịch sự thì áo ba lỗ bên trong, ngoài mặc sơ mi nam. Không ai biết em là phụ nữ". Thông thường, những người đồng tính nữ sống rất khép kín, ít khi chia sẻ về bản thân. Nhưng Lan thì có vẻ cởi mở khi nói về giới tính đặc biệt của mình.
Người đàn bà mang hình hài đàn ông này nói rằng, có lẽ vì giới tính đặc biệt nên tuổi thơ của Lan không bình lặng như những người khác. Sinh ra trong một gia đình có 4 chị em gái, Lan là con thứ và cũng là người khác biệt các chị em của mình. Từ nhỏ, Lan cứ lủi thủi một mình. Có lẽ đông con, cuộc sống vất vả nên bố mẹ chẳng để ý đến sự phát triển theo một hướng riêng của cô con gái. Lan nói rằng có lẽ trời sinh ra thế nên Lan luôn nghĩ mình là con trai.
Lan cảm nhận một thằng đàn ông trong người mình cũng đang lớn dần từ năm học lớp 1. Ngoài hình thức ăn mặc, tóc cắt ngắn như con trai, Lan đã có cảm giác thích thú khi ngồi cạnh bạn gái, thứ tình cảm kỳ lạ của những người khác giới. Lan nói dối mắt kém, không đọc được chữ trên bảng để được cô giáo xếp chỗ ngồi bàn một, cạnh lớp trưởng là một bạn nữ bầu bĩnh, xinh như búp bê. Hôm nào bạn lớp trưởng nghỉ học, Lan cũng xin nghỉ theo. Giờ ra chơi, Lan không chơi mấy trò con gái mà chỉ chơi cùng các bạn nam.
Không biết bao nhiêu lần, người cha vì không thể chấp nhận sự thật phũ phàng đã đánh, đốt quần áo con trai mà Lan mặc, ép đứa con gái trở về với giới tính được sinh ra. Nhưng cuối cùng, cái mà ông nhận được chỉ là một Hương Lan ngày càng lỳ lợm hơn, ngang tàng hơn. "Bố biết không thay đổi được số phận của em nên sau này khi em lớn, bố hiểu và thương em lắm, coi em như thằng con trai lớn trong nhà, làm việc gì cũng hỏi và bàn bạc với em".
Sa ngã vì bi kịch gia đình
Phần vì mặc cảm với sự kỳ thị của bạn bè, phần vì thương người cha mưu sinh vất vả bằng công việc đạp xích lô để nuôi con, học hết lớp 6, Lan nghỉ học. Chị cả mất, Lan tự thấy mình như một người đàn ông, cùng cha gánh trọng trách chăm lo cho gia đình. "Hồi đó em khỏe lắm, ai thuê gì cũng làm, miễn là kiếm được tiền. Chủ yếu là gánh nước thuê, cọ bể. Có ngày gánh thuê được mấy chục gánh nước. Chẳng ai biết em là nữ. Nhưng em cũng hư hỏng từ đấy. Có tiền, bắt đầu biết hút thuốc, rồi cờ bạc. Chị gái mất rồi, chẳng có ai kèm cặp" - Lan thú nhận.
Sau khi chị cả mất một thời gian, có người chú họ đến đón Lan về với mẹ, đang sống cùng đứa con trai riêng ở Gia Lâm. Mấy năm không gần mẹ, nay được gặp lại, với một người đặc biệt như Lan cũng là một bi kịch. Lan bảo lúc gọi là mẹ, lúc gọi là cô, xưng cháu. "Lúc đó mẹ sống bằng công việc cho vay lãi nên trong tủ lúc nào cũng có tiền. Em nghĩ nếu mình phá hết tiền, mẹ sẽ phải quay về ở với bố. Đang hư sẵn, thế là em phá. Em thường xuyên lấy trộm tiền của mẹ để chơi bời, cờ bạc" - Lan lý giải cho bước trượt dài của mình sau này.
Hơn một năm sau thì người mẹ lâm vào cảnh sa sút, vỡ nợ và phải quay về nhà cũ theo đúng "kịch bản" mà đứa con gái mong muốn. Nhưng cũng chẳng được lâu. Năm 1995, sau khi bố Lan vào tù vì tội "tổ chức sử dụng ma túy" thì người mẹ cũng ôm đứa con trai riêng ra đi. Và lần này thì đi biệt tích, đến giờ không có tin tức gì.
Lan đặt hai tay lên bàn. Đôi bàn tay thô ráp, gân guốc như đàn ông. Một cánh tay xăm hình con rồng, Lan giải thích muốn "nương nhờ bóng rồng", là cái tuổi Bính Thìn của mình. Cánh tay còn lại nhằng nhịt sẹo như những vết rạch, kéo dài từ cổ tay lên tận bắp vai. "Cái này là vì mẹ em đấy. Thời điểm trước khi mẹ bỏ đi, hai mẹ con mâu thuẫn. Mẹ rất chiều thằng bé. Em dạy nó thì mẹ cho rằng em không thương nó, thù ghét nó. Mẹ con lục đục, em chả thanh minh được, lấy dao lam rạch tay tự hành mình. Cảm giác đau đớn cho đỡ tức, đỡ ức chế trong người. Xong băng tay và mặc áo dài nên mẹ không biết" - Lan thở dài.
Lan tâm sự, sống trong hình hài một người đàn ông, nhưng giới tính thì vẫn là nữ là một nỗi khổ mà người khác không thể thấu hiểu. Thế nên Lan sợ nhất là khi soi gương và những ngày "phụ nữ". Bởi khi đó, Lan sẽ phải đối diện với sự thật rằng mình vẫn là đàn bà. "Có lần, em nghe mấy chị hành nghề mại dâm nói rằng, khi sử dụng ma túy sẽ ảnh hưởng đến nội tiết, sẽ không còn những ngày khó chịu của đàn bà nữa. Vậy là em thử dùng "hàng trắng". Cũng thấy nội tiết thay đổi, dễ chịu hơn". Nhưng từ nghiện hút đến mua bán ma túy là một khoảng cách rất gần.
Lan kể, năm 2001, người cha vừa ra tù được một thời gian thì đến lượt Lan vào tù. Tất cả đều từ ma túy mà ra. Từ ngôi nhà nhỏ ban đầu trên phố Bạch Mai, sau khi người mẹ bỏ đi, cha con Lan chỉ trông vào việc bán nhà theo kiểu "bán bò tậu ễnh ương", nhà to thành nhà nhỏ, nhà phố thành nhà ngõ ngách, để lấy tiền sinh sống. Dễ đến gần chục lần chuyển nhà. Lần cuối cùng là khi người cha ra tù, mắc bệnh xơ gan, phải bán nhà để chữa bệnh. Lan cùng cha đi thuê nhà. "Bố em nói thương em nhất. Hai đứa em gái đã có gia đình. Còn em thì lênh đênh. Nhà không còn rồi, sau này bố mất em sẽ rất khổ, nhất là khi về già".
Ngày Lan ra tù thì người cha bệnh nặng đã qua đời. Không nhà, có hộ khẩu Hà Nội nhưng Lan thành kẻ lang thang. Một thời gian thì Lan tái nghiện. Cuối năm 2011, Lan bị lập hồ sơ đi cai nghiện tập trung tại Ba Vì, đến năm 2014 về địa phương.
Lan kể đã đi xin việc nhiều nơi nhưng với bộ dạng, hình hài chẳng phải đàn ông cũng không phải đàn bà như vậy thì để tìm kiếm một công việc cũng không dễ gì. Lan mua chiếc xe máy Dream Trung Quốc, hành nghề xe ôm ở cổng Bệnh viện Thanh Nhàn. Có tiền thì thuê nhà, không thì ngủ luôn trên xe. Ngày mưa gió, chui vào cây ATM ngủ. Khách đi xe ôm không ai biết Lan là nữ. Lan cho biết, một ngày trừ tất cả chi phí cũng bỏ túi được gần 200 ngàn đồng. Mức thu nhập quá ổn đối với một người bình thường. Nhưng chỉ được một thời gian, khi tái nghiện trở lại thì số tiền ấy chẳng thấm tháp vào đâu. Và rồi cần câu cơm là chiếc xe máy cũng theo khói thuốc mà đi.
Hai tuần trước khi bị bắt, Lan đến tá túc nhà đứa em gái út để "cai". Một tuần đóng cửa nằm nhà, Lan đã tự cắt cơn. Theo Lan thì hai chị em dự tính sẽ thu xếp để mở cho Lan một quán nước nhỏ sinh sống. Hoặc đi vay mượn tiền mua xe máy để Lan tiếp tục chạy xe ôm. Dự tính là như thế, nhưng trong lúc cô em đi vắng, buồn chân, Lan lại bỏ nhà đi lang thang. Lan kể 3 ngày liền, cô ta lang thang đi xin việc ở những quán ăn nhưng không ai nhận. "Trong lúc chán nản, em định lên tìm đứa em họ bán hàng ở khu chợ đêm phố cổ vay tiền. Nhưng chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào..." - Lan chùng giọng thở dài.
Đổ lỗi phạm tội vì hoàn cảnh là lý do khó chấp nhận, bởi thực tế, rất nhiều người đồng tính trong xã hội vẫn tìm được lối đi cho riêng mình, hạnh phúc với những gì mình có. Nhưng dẫu sao, cuộc đời Lan vẫn là một bi kịch. Nếu ở trong một hình hài bình thường như những phụ nữ khác, biết đâu Lan đã có một cuộc đời bình yên hơn, đỡ sóng gió hơn.
"Lúc bị bắt, em xấu hổ lắm, chả dám gọi điện cho em gái nữa. Thôi lần này em cũng xác định là đi một vài năm, coi như mình đi "tu" một lần nữa vậy. Cũng cần có thời gian để mình ngẫm nghĩ, tu tỉnh lại bản thân. 40 tuổi rồi, không còn trẻ nữa. Em chỉ mong lúc ra tù, tìm được một việc làm phù hợp…" - Lan bày tỏ nguyện vọng.
- Lan có bạn gái không? - Có, năm nào cũng có, ở đâu cũng có. Mối tình đầu của em là một chị hơn em 17 tuổi, bán nước trên Bờ Hồ. Chị ấy thích em trước, vì tưởng em là con trai. Sau em nói thật, bảo "tôi là con gái đấy". Nhưng chị ấy bảo yêu rồi nên vẫn chấp nhận. Bọn em yêu nhau 6-7 năm thì chị ấy mất. Cũng một phần tại em. Hôm đó hai đứa đi đánh bạc. Cãi nhau nên em đuổi chị ấy về trước. Sau nghe nói chị ấy về bị bố mẹ mắng chửi. Đêm đó chị ấy đã tự tử. Mỗi lần nghĩ đến chị ấy, em vẫn ân hận. Giá như đêm đó em không đuổi chị ấy... - Đến giờ, Lan còn giận mẹ không?
Theo Hương Vũ (CAND Online)