Bi kịch của 23 người muốn "đổi đời" và lòng tham của lão nông

24/03/2016 12:19:23

"Tôi chưa bao giờ được cầm tiền nhiều đến vậy, thấy việc lừa quá dễ dàng nên càng ham, càng tham", người đàn ông mạo danh người nhà bí thư tỉnh ủy thú nhận trước tòa.

"Tôi chưa bao giờ được cầm tiền nhiều đến vậy, thấy việc lừa quá dễ dàng nên càng ham, càng tham", người đàn ông mạo danh người nhà bí thư tỉnh ủy thú nhận trước tòa.

Tin ông này, 23 người ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã tìm tới nhờ vả với số tiền đưa hơn 700 triệu đồng. Các nhạn nhân khi biết bị lừa đã gửi đơn tố cáo song ông Tâm bỏ trốn. Tới tháng 8/2015, người đàn ông này bị bắt.
 

Bị cáo Tâm với dáng vẻ bề ngoài khắc khổ, cục mịch.

 
Tại phiên tòa mở cuối tháng 3, ông Tâm dáng người thấp đậm, trong bộ quần áo bạc màu luôn cúi đầu lí nhí khai thấy tiền về túi một cách dễ dàng nên "nảy sinh lòng tham vô độ, không thể dừng lại được".

"Bị cáo ít khi cầm tài sản lớn như vậy, lúc họ đưa tiền thì lòng tham càng cao. Nhiều người quá, đến giờ bị cáo không nhớ cụ thể ai nhờ vả gì, tiền đưa ra sao", ông Tâm nói.

Bị cáo khai số tiền có được không mang về cho gia đình mà dùng chi tiêu cá nhân và một phần đưa một phụ nữ tên Tương (đang thụ án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản) - người chỉ đường cho ông ta cách thức lừa đảo.

Nghe chồng khai, ngồi đằng sau, vợ bị cáo liên tục khóc. Bà nghẹn ngào cho hay, từ ngày chồng vướng lao lý, gia đình thêm nợ nần chồng chất vì phải bươn chải kiếm tiền trả cho các nạn nhân. "Giờ tiền lãi ngày một nhiều, tôi đau ốm thường xuyên, tương lai con cái chẳng biết thế nào", người đàn bà lam lũ trình bày.

Nhiều bị khai khi trả lời tòa cũng nhận vụ việc xảy ra do mình "quá nhẹ dạ cả tin". Họ không nghĩ ông Tâm với vẻ ngoài chất phác lại có thể lừa đảo trắng trợn và liều lĩnh khi mạo danh người nhà cựu lãnh đạo tỉnh với "kịch bản hoàn hảo" tới vậy.

"Có lần tới nhà tôi, ông ta cầm 3 điện thoại xịn, một chiếc nói dùng liên lạc với quan chức, chiếc kia chỉ gọi cho người thân, cái còn lại làm việc với đối tác. Có lúc ông ấy đứng trước mặt tôi gọi điện rồi bảo là đang nói chuyện với cháu của Bí thư tỉnh ủy, hồ sơ xin việc của con tôi đã được thông qua. Như vậy ai mà không tin", một bị hại trình bày.
 

Hàng chục bị hại than thở do quá nhẹ dạ cả tin nên mắc lừa. Ảnh: Đức Hùng

 
Một số người thân thiết cũng cho hay khi nghe ông ta khoe khoang có thể "chạy việc" đã tin, rồi loan tin, mách nước với người khác. Từ đó người nọ bắt mối người kia tìm tới ông Tâm cậy cục nhờ vả.

3 người thân của ông Tâm vì "môi giới" mà giờ phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để trả cho nạn nhân. "Tôi tưởng được 'mang ơn' giờ thành ra mắc oán, vợ chồng lục đục. Vòng zích zắc bi kịch cứ nối người này vào người kia rồi cứ hờn trách, oán hận nhau", một người than với chúng tôi.

Trước các bị hại liên tục oán trách Tâm, tòa đặt câu hỏi: "Các anh các chị khi đưa số tiền lớn phải nhìn mặt bắt hình dong, đến nhà tìm hiểu gia đình họ thế nào chứ?". Một người trả lời, tin những lời đường mật như "chắc như đinh đóng cột" nên xiêu lòng, "nhắm mắt làm liều".

Trước việc bị cáo nói không có tiền để hoàn trả, nhiều nạn nhân bức xúc song cũng xác định không thể đòi lại được. "Nếu ông ta trả nợ cho chúng tôi thì tòa xử mức án khoảng 13 năm tù theo đề nghị của Viện kiểm sát, còn nếu không nên xử 20 năm tù", một người nói.

Tòa nhận định các bị hại cũng có phần lỗi khi quá tin vào lời nói lừa đảo của bị cáo. Nhận mức án 13 năm tù cùng số tiền phải bồi thường hơn 700 triệu đồng, khi bị áp giải ra xe thùng, ông Tâm thỉnh thoảng ngoái phía sau liếc trộm những ánh mắt oán hận của bị hại đang hướng về phía mình.

Một bà mẹ than thở muốn con thoát cảnh chân lấm tay bùn nhưng giờ ước mơ quá xa vời khi tất cả tiền tích cóp đã đưa hết cho ông Tâm. "Đúng là bi kịch của những người nông dân mắc lừa nhau", một bị hại nói trong nước mắt.
 
Theo Đức Hùng (VnExpress.net)