Những ngày qua, thông tin lan truyền NSƯT Hoài Linh bị đột quỵ, hôn mê sâu, tiên lượng xấu gây bức xúc trên mạng xã hội. NSƯT Hoài Linh đã quay clip khẳng định mình vẫn bình thường.
Liên quan đến vụ việc, nhiều người thắc mắc thời gian qua có vô số trang TikTok, Youtube, Facebook ngang nhiên đăng tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến nhiều cá nhân. Vậy những người bị thông tin sai sự thật phải làm gì để bảo vệ lợi ích cá nhân?
Hành vi tung tin sai sự thật và khẳng định một nghệ sĩ, một cá nhân đang nguy kịch, bị đột quỵ gây hoang mang dư luận là một trong những hành vi bị cấm.
Hành vi này xâm phạm đến quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác được pháp luật bảo vệ và có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ vi phạm.
Người thực hiện hành vi tung tin thất thiệt lên Facebook có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 101 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Trường hợp tung tin thất thiệt về người khác nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì người thực hiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền xét xử là tòa án sẽ dựa trên động cơ, mục đích thực hiện vi phạm để đưa ra kết luận về tội phạm.
Căn cứ khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, Điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau:
Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống ... thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm khác nhau.
Khi bị thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc, nghệ sĩ Hoài Linh hoặc các cá nhân bị tung tin thất thiệt có thể gửi đơn đến công an, viện kiểm sát hoặc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM yêu cầu can thiệp.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ)
Theo Nld.com.vn