Video: Đồng phạm của ông Đinh La Thăng tươi cười lúc rời tòa
Sáng 11/1, bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục bị đưa ra xét xử về hai tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý gây hiệu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản. Hôm nay là ngày thứ 4 diễn ra phiên tòa trong thời tiết giá lạnh.
Luật sư xét hỏi Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và một số bị cáo liên quan đến việc tạm ứng trái phép hơn 6,6 triệu UDS và 1.300 tỷ đồng cho công ty của Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo Chương cho biết khi về Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 thì hợp đồng 33 đã được ký và dự án đã khởi công. Thực hiện đúng chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV, ông Chương đã rà soát hợp đồng và báo cáo cấp trên. Bị cáo nói đã nêu ra nhiều bất cấp nhưng không được điều chỉnh.
Về việc đề xuất tạm ứng tiền trái quy định cho PVC ngay trong ngày, bị cáo Chương nói ông buộc phải làm việc này theo yêu cầu của tập đoàn. “Tôi là đơn vị cấp dưới, đơn vị phụ thuộc phải nghe lời cấp trên. Thứ hai là sức ép công việc, trên đe dưới búa do chính sự chỉ đạo quyết định của tập đoàn. Tôi chỉ là mắt xích nhỏ trong hoạt động của tập đoàn thì buộc phải tuân lệnh”, ông Chương nêu lý do.
Bị cáo này cho rằng việc làm sai thì phải chịu trách nhiệm. “Tôi biết vi phạm Nghị định 48 nhưng tôi không ký thì người ta bảo tôi thế nọ thế kia, nhũng nhiễu nhà thầu, cản trở công việc, cản trở dự án”, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trình bày với HĐXX.
Sau khi chuyển tiền, ông Chương có 2 công văn yêu cầu tổng thầu báo cáo việc sử dụng vốn. Nhưng đến tháng 9/2011, tổng thầu mới có công văn cho biết qua kiểm tra công tác của PVN mới phát hiện sử dụng sai mục đích. Khi đó, tất cả khối lượng xây lắp của nhà thầu trong năm 2011 đã không được thanh toán. Bị cáo Vũ Hồng Chương khẳng định sẽ không bao giờ tạm ứng cho PVC khi nhà thầu chưa làm gì.
Căn cứ vào đâu Ban chỉ đạo làm thủ tục đề xuất tạm ứng đợt 2,3 và 4 cho PVC? Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo sinh năm 1953 một lần nữa khẳng định: "Lãnh đạo tập đoàn yêu cầu tôi phải thực hiện chuyển tiền cho PVC ngay trong ngày. Biết vi phạm nhưng không có cách nào khác".
Được mời lên trả lời sau đó, ông Đinh La Thăng nói đã nghe ý kiến các bị cáo. Cựu Chủ tịch PVN cho biết lãnh đạo PVN và cấp trên đều chỉ đạo triển khai theo quy định pháp luật. "Việc thúc ép tiến độ là cần thiết, tuy nhiên HĐTV và Ban tổng giám đốc đều chỉ đạo làm theo quy định pháp luật, không vì lý do nào biết vi phạm mà vẫn thực hiện", bị cáo Thăng nói.
Trong phần xét hỏi diễn ra ngày 10/1, các luật sư đã đặt câu hỏi với giám định viên về cách tính nào để xác định các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 100 tỷ đồng khi sử dụng trái mục đích 1.100 tỷ đồng tiền tạm ứng. Về việc này, giám định viên khẳng định việc giám định được thực hiện đúng pháp luật, có tình có lý.
Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo bị truy tố tội Tham ô tài sản cũng nhiều lần được các luật sư mời lên bục khai báo. Trong khi đồng phạm thừa nhận việc lập quỹ đối ngoại theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh thì cựu Chủ tịch HĐQT PVC lại phủ nhận điều này. Ông Thanh nói không liên quan đến các khoản tham ô như cao trạng quy kết.
Phiên tòa hôm qua cũng là phiên toà lần đầu luật sư hỏi điều tra viên thụ lý vụ án về quy kết Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn. Cán bộ điều tra lý giải cáo trạng có nhận định trên lời khai của bị cáo Thanh không đúng với kết luận của cơ quan tố tụng.
Trước khi từ chối trả lời một luật sư vào cuối giờ chiều vì lý do sức khỏe, ông Đinh La Thăng khẳng định không có chuyện Tập đoàn Dầu khí ưu ái cho riêng công ty của Trịnh Xuân Thanh.
Nghe bị cáo Minh khai làm theo mệnh lệnh dù cấp trên không chỉ đạo bằng văn bản, Trịnh Xuân Thanh liền phản bác và hỏi lại người từng là thuộc cấp của mình. |
Theo Nhóm phóng viên (Tri Thức Trực Tuyến)