Chiều 14/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ tiếp tục với phần xét hỏi nhóm các bị cáo là đại lý và con bạc.
3 bị cáo được đưa vào phòng y tế
Lúc 15h30, luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Hóa có đơn đề nghị HĐXX cho cựu Cục trưởng C50 vào phòng y tế do huyết áp tăng cao, không thể ngồi lâu. Ngay sau đó, ông Hóa được nhóm cảnh sát dẫn giải rời phòng xét xử để đến khu vực chăm sóc sức khỏe.
Sau đó không lâu, bị cáo Lưu Thị Hồng cũng được đưa đến phòng y tế. Hơn 30 phút rời khu vực xử án, cựu Tổng giám đốc Công ty CNC chưa quay lại chỗ ngồi.
Trước đó, 9h30 cùng ngày, chủ tọa cũng chấp nhận đề nghị của luật sư về việc cho ông Phan Văn Vĩnh rời tòa vào phòng y tế do gặp vấn đề về sức khỏe.
Ông Vĩnh trở lại tòa sau khi gặp vấn đề về sức khỏe cuối buổi làm việc buổi sáng nhưng dáng vẻ vẫn mệt mỏi. Sau khoảng 2 giờ làm việc, đến lượt cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa phải vào nghỉ trong phòng y tế do vấn đề về huyết áp.
Hưởng lợi tiền tỷ từ tổ chức đánh bạc
Trong hơn 2 giờ của phiên xét xử buổi chiều, nữ chủ tọa dành thời gian xét hỏi hơn 10 bị cáo thuộc nhóm bị truy tố tội Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc. Họ là các đại lý cấp 1 và cấp 2, có nhiều người là chủ quán Internet.
Trước HĐXX, Hà Văn Thắng khai tham gia vào đường dây đánh bạc qua việc kinh doanh bitcoin và rik. Bị cáo quê Bắc Giang nói bản thân không biết ai là người đứng ra tổ chức hệ thống đánh bạc qua game bài Rikvip, nhưng vẫn tham gia.
Để kiếm lời, Thắng lập 16 tài khoản ngân hàng để giao dịch. Anh ta khai đã nhờ vợ và anh vợ đứng tên tài khoản. “Bị cáo hưởng lợi bao nhiêu từ tổ chức đánh bạc?”, HĐXX hỏi. Thắng nói anh ta hưởng lợi gần 2 tỷ đồng.
Tiếp tục xét hỏi, bị cáo Trần Hồng Long khai đã lập 27 tài khoản ngân hàng, đứng tên Long và một số người quen để được làm đại lý cấp 1. Tuy nhiên, muốn làm đại lý cấp 1, Long khai phải được đại lý tổng cho phép.
“Đại lý tổng liên hệ với bị cáo để thỏa thuận cho làm đại lý cấp 1”, Long khai và cho biết Hoàng Thành Trung (đang bị truy nã) là người liên lạc. Sau đó, để tìm đại lý cấp 2, Long phải trích 1% doanh thu từ việc kinh doanh rik cho các đại lý này. Khai với HĐXX, Trần Hồng Long nói trong vụ án, anh ta hưởng lợi hơn 170 triệu đồng.
Ký biên bản theo yêu cầu của điều tra viên?
Trần Thiện Tiến là một trong số các bị cáo bị truy tố tội Đánh bạc được gọi lên xét hỏi trong phiên xử chiều nay. Trình bày lý do vắng mặt khi thẩm phán gọi tên đầu buổi làm việc, Tiến nói mình bị mệt nhưng đủ sức khỏe để dự tòa.
Theo biên bản đối soát của cơ quan tố tụng, bị cáo sử dụng 2 tài khoản có tên “Thông minh hơn” và “Mất nhiều 0123”. Nhưng khi trả lời thẩm phán, Tiến khai anh ta chỉ dùng tài khoản có tên "Thông minh hơn" để chơi tài xỉu.
Bị cáo có được cơ quan điều tra cho đối soát lịch sử đánh bạc trên hệ thống lưu giữ không?, HĐXX hỏi. Thanh niên quê Thái Nguyên trả lời không nhớ. Tiến thừa nhận biên bản đối soát có chữ ký của anh ta nhưng “điều tra viên đọc cái gì bị cáo viết theo như thế”.
Bị cáo có thể giải thích tại sao quá trình điều tra, bị cáo khai sử dụng nickname "Mất nhiều 0123"?, HĐXX hỏi tiếp. Theo Trần Thiện Tiến, lúc đó anh ta làm theo yêu cầu của điều tra viên nhằm giúp hoàn thiện hồ sơ. Khi VKS chiếu trên màn hình LED biên bản đối soát, Tiến thừa nhận chữ ký trên văn bản là của mình. Tuy nhiên, một lần nữa, bị cáo khẳng định không sử dụng tài khoản "Mất nhiều 0123”.
Theo cơ quan công tố, viện kiểm sát từng 2 lần làm việc với Tiến để về đối soát tài khoản, bị cáo đều xác nhận sử dụng 2 nickname như nội dung cáo trạng. “Bị cáo có căn cứ gì để nói nick "Mất nhiều 0123" không phải của mình?, HĐXX truy vấn. Trần Thiện Tiến nói là của một người tên Nguyễn Thanh Sơn. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, bị cáo không khai điều này.
Về lý do Tiến nhận nick "Mất nhiều 0123" là của bị cáo, một lần nữa, Tiến nói anh ta làm theo lời điều tra viên để củng cố hồ sơ. Bị cáo này cũng khai biên bản được lập ở quán cà phê, không phải ở cơ quan công an.
Về việc này, kiểm sát viên cho rằng để làm được biên bản đối soát phải có đủ thành phần. “Bị cáo nói có điều tra viên mang ra quán nước cho bị cáo ký, bị cáo nói không có căn cứ gì cả. Bản thân tôi là điều tra viên tham gia cuộc đối soát này”, đại diện viện kiểm sát sau đó đề nghị bác lời khai của Tiến tại tòa vì không có căn cứ.
Khi kiểm sát viên dừng lời, nữ chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương đặt câu hỏi: Quá trình điều tra, bị cáo có bị đánh đập, bức cung nhục hình không? Trần Thiện Tiến nói không.
HĐXX cho biết sẽ xem xét, đánh giá lời khai này của bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Văn Dũng cho biết anh ta quen Hoàng Thành Trung - cha đẻ của game bài Rikvip - khi bắt đầu làm đại lý cho đường dây đánh bạc trực tuyến. Dũng khai khi đưa ra các chính sách phát triển mạng lưới, Trung nói game bài đã được bảo kê.
“Hoàng Thành Trung nói yên tâm, có thế lực lớn bảo kê nên bị cáo làm”, Vũ Văn Dũng trả lời chủ tọa và khẳng định đó lý do anh ta tham gia đường dây trong suốt 2 năm tính từ tháng 8/2015. Những lần gặp gỡ, Hoàng Thành Trung không tiết lộ danh tính người bảo kê, còn Dũng nghĩ rằng Rikvip là game bài hợp pháp.
"Tại sao lời khai quan trọng như vậy lại không có trong hồ sơ?" luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương) hỏi. Vũ Văn Dũng khai đây là lời Trung nói tại buổi offline, không có chứng cứ.
Còn các bị cáo bị truy tố tội đánh bạc khai họ quảng cáo hoặc biết game bài Rikvip qua Facebook. Họ không biết Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam hay Công ty CNC. Chỉ một số đại lý cấp 1 được gặp trực tiếp Hoàng Thành Trung và nhận được thông tin “game bài Rikvip sắp được cấp giấy phép, cứ yên tâm mà làm”.
Trong buổi xét hỏi diễn ra sáng nay, các luật sư nhiều lần đặt câu hỏi cho các bị cáo về việc quảng cáo game đánh bạc công khai mà không bị cơ quan chức năng xử lý. Việc giao dịch tiền đánh bạc qua tài khoản ngân hàng thể hiện rõ nội dung mua bán rik cũng được người bào chữa của bị cáo Nguyễn Văn Dương đề cập.
Theo Nhóm Phóng Viên (Tri Thức Trực Tuyến)