Thẩm phán Ngô Hồng Phúc được phân công làm chủ tọa phiên tòa này. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ ngày 5 đến 7-6. Trước khi phiên toà phúc thẩm diễn ra, hai bị cáo đã có đơn xin rút đơn kháng cáo là Trịnh Xuân Thanh (52 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) và Đào Duy Phong (60 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land).
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có chủ trương chuyển tất cả các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản về cho PVC quản lý theo một đầu mối.
Thời điểm này, Lê Hòa Bình (54 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân) muốn mua dự án Nam Đàn Plaza do PVP Land chiếm 50,5% vốn.
Thông qua môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (46 tuổi, trú tại phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh, làm nghề kinh doanh tự do), ngày 27-3-2010, Bình cùng 5 cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc mua 24 triệu cổ phần với giá hơn 20.000 đồng một cổ phần. Tổng giá trị hợp đồng gần 500 tỷ đồng.
Để mua tiếp số cổ phần còn lại, Thái Kiều Hương (45 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietsan) nhờ Đinh Mạnh Thắng (56 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà) kết nối gặp Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza.
Thanh đồng ý và chỉ đạo Đào Duy Phong đứng ra thu xếp việc mua bán. Thực hiện sự chỉ đạo, bị cáo Phong đã ký tờ trình gửi PVC phê duyệt phương án bán hơn 12 triệu cổ phần với giá 13.578 đồng một cổ phần, tương đương giá 34 triệu đồng một m² đất tại dự án Nam Đàn Plaza và được Thanh đồng ý.
Vài ngày sau đó, Bình chuyển nhượng cổ phần với cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng 1m² (chênh lệch 18 triệu đồng 1m²), tổng số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng.
Sau khi Bình thanh toán 50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, Hương đã yêu cầu đưa 14 tỷ đồng để "lại quả" cho Thanh.
Ngoài ra, Bình còn chuyển cho Phong 10 tỷ đồng và Đặng Sỹ Hùng (Trưởng phòng Kinh tế PVP Land) 20 tỷ đồng. Riêng Thắng nhận 5 tỷ đồng.
Tổng số các bị cáo đã nhận 49 tỷ đồng là khoản tiền chênh lệch mua cổ phần của PVP Land.
Bản án sơ thẩm xác định, trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh là người có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần nói trên.
Bị cáo Thanh chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc chuyển nhượng với giá thấp hơn thực tế để hưởng tiền chênh lệch.
Quá trình điều tra, do Đặng Sỹ Hùng đã chết nên Viện KSND tối cao đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can này. Bản án sơ thẩm xác định, trong vụ án này, bị cáo Thanh đã phạm tội tham ô tài sản.
Các bị cáo khác là đồng phạm của Thanh với vai trò giúp sức. Kết thúc phiên toà sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về tội tham ô tài sản.
Trước đó, bị cáo Thanh đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt một bản án tù chung thân trong vụ án tham ô tài sản và có ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn buộc bị cáo Thanh chấp hành hình phạt bổ sung số tiền 50 triệu đồng.
Bị cáo Đào Duy Phong bị tuyên phạt 16 năm tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng. Các bị cáo đồng phạm khác tuỳ theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt từ 6 đến 16 năm tù.
Sau phiên toà sơ thẩm, một số bị cáo đã có đơn kháng cáo. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh kháng cáo cho rằng, mình không tham ô tài sản và không có tội và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ kết luận của bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự cũng như dân sự cho mình.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh và giảm nhẹ mức hình phạt đối với bị cáo.
Các bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường mà bản án của Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo.
Theo Nguyễn Hưng (CAND Online)