Ngày 14-12, ngày thứ 3 phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với 12 bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay, thu lợi bất chính hơn 2.000 tỷ đồng, đại diện VKND Tối cao thực hành quyền công tố đã tập trung thẩm vấn các bị cáo.
Đại diện VKS tập trung thẩm vấn bị cáo người Philippines Aleria Romel Pagente là thuyền trưởng tàu BTS Christina, bị truy tố về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Aleria bị bắt giam ngày 3-2-2016, sau hơn tám tháng bị tạm giam, đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn đặt tiền để đảm bảo tại ngoại. Aleria đến tòa còn có đại diện cơ quan ngoại giao của Philippines tại Việt Nam và người phiên dịch.
Theo cáo trạng, thuyền trưởng này là người trực tiếp lái tàu vận chuyển hơn 9 ngàn tấn xăng A92 từ Singapore đến Việt Nam.
Ngày 23-1-2016, tàu BTS Chritina nhận hàng tại cảng Vopak Banyan (Singapore) vận chuyển đến cảng LPG Hòa Phú (Tuy Phong, Bình Thuận) theo hai vận đơn.
Vận đơn thứ nhất số lượng hơn 7.000 tấn xăng A92, vận đơn thứ hai số lượng gần 2.000 tấn xăng A92.
Khi đến cảng LPG Hòa Phú, Aleria đã ký giao cho Công ty Dương Đông Hòa Phú vận đơn thứ hai gần 2.000 tấn xăng, còn vận đơn thứ nhất hơn 7.000 tấn xăng được phù phép thành hàng quá cảng/chuyển cảng để đưa ra khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên thuyền trưởng này đã cho bơm toàn bộ hơn 7.000 tấn xăng lên kho của Dương Đông Hòa Phú. Căn cứ giám định số lượng hơn 7.000 tấn xăng A92 tương đương gần 10 triệu lít xăng mà Aleria đã vận chuyển trái phép vào Việt Nam có trị giá hơn 154 tỷ đồng.
Ngoài chuyến tàu BTS Chritina, trong vòng hơn hai tháng đường dây này còn nhập lậu 11 chuyến tàu khác từ Singapore bằng cách lập hai vận đơn như trên, với số lượng hơn 90 triệu lít xăng A92 và hơn 70 triệu lít dầu DO, tổng trị giá hơn 2.034 tỷ đồng.
Chuyển hàng không cần biết chủ hàng
VKS đã chất vấn thuyền trưởng Aleria Romel về hai vận đơn và Aleria cho biết theo chỉ thị hải trình, chỉ biết vận chuyển xăng dầu từ Singapore sang Bình Thuận, Việt Nam. Đối với vận đơn thứ nhất, Aleria khai được lệnh giao cho Dương Đông Hòa Phú còn vận đơn thứ hai giao theo lệnh người thuê tàu.
Bị cáo này khẳng định, theo tập quán hàng hải không cần biết chủ hàng là ai mà chỉ làm theo lệnh. Cựu thuyền trưởng này cũng cho rằng chữ ký của mình được phép cho tàu xuất cảnh, luôn xem trước khi ký và chịu trách nhiệm về chữ ký của mình.
Tuy nhiên khi phía công tố truy, ngày 28-1-2016, khi tàu cập cảng, thuyền trưởng và nhân viên của đại lý hàng hải không trao đổi gì với nhau mà chỉ đến cabin tàu để lấy hồ sơ nhập cảnh và Aleria đã ký vào. “Bị cáo đã bất cẩn khi ký mà không đọc nội dung” Aleria thừa nhận thông qua phiên dịch.
Thế nhưng một lần nữa, Aleria lại cho rằng mình không có lỗi bởi không có trách nhiệm biết chủ hàng ở Việt Nam là ai mà chỉ có nhiệm vụ vận chuyển xăng dầu đến Việt Nam theo lệnh từ chủ tàu.
Lập quỹ đen từ tiền hối lộ
Cũng trong ngày xét xử thứ 3, công tố đã xoáy sâu vào hành vi đưa và nhận hối lộ cho những viên chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm hóa để bôi trơn cho đường dây buôn lậu “khủng” này.
Trước đó, khi Tòa xét hỏi, bị cáo Đinh Hữu Thùy ,nguyên cán bộ Chi cục Hải Quan Bình Thuận khai nhận sau mỗi lần đi giám sát việc bơm hút xăng dầu, nhân viên của Công ty Dương Đông Hòa Phú đã đưa một phong bì 12 triệu đồng kẹp sẵn trong hồ sơ.
Những phong bì này đều do Nguyễn Tuấn Anh (nhân viên Công ty CP Dương Đông Hòa Phú) đưa sau khi làm xong việc. Bị cáo Thùy thừa nhận đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc giám sát bơm xăng dầu từ tàu lên kho chứa. “Sở dĩ Công ty đưa phong bì là do thấy anh em đi làm "cực khổ" nên họ đưa và chỉ đưa với mục đích tình cảm”, bị cáo Thùy chống chế.
Còn bị cáo Nguyễn Tuấn Anh khai đã đưa tổng cộng 12 bộ hồ sơ, trong đó kẹp thêm phong bì cho các nhân viên hải quan trước khi đi giám sát và việc này là theo chỉ đạo của cấp trên.
Toàn bộ số tiền nhận hối lộ, bị cáo Thùy khai bỏ túi riêng 3 triệu, 3 triệu chia cho đồng nghiệp đi cùng và số còn lại nộp vào "quỹ đen" của Đội nghiệp vụ, Chi cục Hải quan Bình Thuận.
Trả lời về “quỹ đen’ này, ông Võ Văn Toàn, nguyên chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bình Thuận cho biết rất đau xót với những sai phạm của cấp dưới trong vụ án. Ông Toàn khẳng định là mình không biết gì cho đến khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an đến làm việc thì mới vỡ lẽ. Các cán bộ có liên quan của Chi cục Hải quan Bình
Thuận đều phủ nhận việc lấy tiền của doanh nghiệp lập “quỹ đen”
Tuy nhiên khi tòa chất vấn bà Trần Thị Phượng, cán bộ Đội nghiệp vụ, người trực tiếp nhận tiền từ bị cáo Thùy thì bà Phượng thừa nhận tại đơn vị có chủ trương cho các cán bộ tự nguyện đóng góp tiền để làm quỹ dự phòng, cúng viếng, ma chay…
“Hàng tháng anh Thùy đưa tiền bổ sung vào quỹ một lần và tổng cộng anh Thùy nộp quỹ khoảng 74 triệu đồng. Tuy nhiên tôi không rõ nguồn tiền này từ đâu, đến khi xảy ra vụ án mới biết nên tôi đã mang toàn bộ tiền anh Thùy nộp trả lại cho người thân của anh Thùy” bà Phượng cho biết.
Trong ngày xét xử thứ hai, Tòa cũng tập trung làm rõ nguồn tiền mà Công ty Dương Đông Hòa Phú nhập lậu xăng dầu với khối lượng lớn. Theo hồ sơ, Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú, khai vay tiền từ hai ngân hàng (BIDV và VietinBank). Tuy nhiên, đại diện cả hai ngân hàng này đều khai không biết các hoạt động vay tiền của Dương Đông Hòa Phú để mua xăng dầu nhập lậu từ nước ngoài.
Nhân vật bí ẩn của vụ án là ai?
Nhân vật được xem là bí ẩn nhất trong vụ án này chính là Luyện Xuân Tràng, người không có bất cứ chức vụ nào tại Công ty Dương Đông Hòa Phú. Theo lời khai của Nguyễn Đức Mạnh, Tràng là người trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động nhập khẩu xăng dầu mặc dù Mạnh là chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú.
Tuy nhiên trong quá trình điều tra, khi CQCSĐT Bộ Công an khởi tố bị can Luyện Xuân Tràng về hành vi buôn lậu thì Tràng đã đánh hơi bỏ trốn trước khi bị bắt.
Điều khá ngạc nhiên là khi xét hỏi, gần như toàn bộ bị cáo trong nhóm tội buôn lậu thậm chí cả phó tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú đều không hề biết thông tin gì về Luyện Xuân Tràng và bị can này chỉ liên lạc duy nhất với Nguyễn Đức Mạnh, tổng giám đốc. Hiện CQCSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Luyện Xuân Tràng.
Theo nguồn tin của chúng tôi, Luyện Xuân Tràng năm nay 45 tuổi. Ngày 29-1-2016, khi đường dây buôn lậu xăng dầu này mà cụ thể là tàu BTS Christina bị bắt quả tang, Tràng đã bỏ trốn. Mặc dù hộ khẩu thường trú và nơi tạm trú đều đăng ký ở Khu tập thể Giao thông Phố Nối, thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên nhưng trước khi bỏ trốn, Tràng ít khi có mặt ở đây mà thường xuyên xuất hiện ở Hà Nội và TP.HCM...
Theo Phương Nam (Pháp Luật TP.HCM)