Bí ẩn danh sách những kẻ "ăn lộc" từ Hà Văn Thắm

28/12/2016 11:58:00

Từ năm 2011- 2014, có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Oceanbank chi trả.

Từ năm 2011- 2014, có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Oceanbank chi trả.

Nguyên nhân được xác định là do hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Oceanbank cùng đồng phạm.

Bí ẩn danh sách những kẻ 'ăn lộc' từ Hà Văn Thắm
Hà Văn Thắm

Tài liệu điều tra xác định, trong thời gian từ năm 2011- 2014, có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Oceanbank chi trả.

Các khoản tiền ngoài lãi suất huy động mà Oceanbank chi cho các cá nhân, tổ chức kinh tế này xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của Thắm và các đồng phạm.

Đây là những khoản lãi suất không thể hiện trong hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm mà khách hàng đã ký với Oceanbank, trong đó có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có nhiều vốn Nhà nước (trong đó chủ yếu là nhóm khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam) có dấu hiệu móc ngoăc với lãnh đạo, nhân viên của Oceanbank nhận các khoản tiền lãi ngoài để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.

Danh sách các khách hàng là tổ chức kinh tế nêu trên đều được thể hiện trong hồ sơ vụ án. Cơ quan điều tra đã có công văn gửi đến 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Ocean bank trong giai đoạn 2011- 2014 yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến việc gửi tiền, nhận tiền lãi ngoài lãi suất tiền gửi và nộp lại số tiền lãi ngoài hưởng lợi bất chính từ hành vi chi lãi ngoài sai quy định của Oceanbank.

Đến nay, đã có 143 tổ chức kinh tế có văn bản trả lời, trong đó chỉ có 19 tổ chức kinh tế khẳng định có nhận tiền lãi ngoài của Oceanbank và nộp lại số tiền lãi ngoài đã nhận được với tổng số hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.

Có 124 tổ chức có trả lời nhưng khẳng định không nhận được tiền lãi ngoài của Oceanbank. Hiện, vẫn còn 249 tổ chức kinh tế chưa có văn bản trả lời cơ quan điều tra.

Thực hiện yêu cầu điều tra mở rộng vụ án, tháng 10/2016, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Đức Chính, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam về tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.

Đối với Tập đoàn dầu khí và các công ty con thuộc Tập đoàn dầu khí, cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra làm rõ hành vi nhận tiền chi lãi ngoài của Nguyễn Xuân Sơn để xử lý trong vụ án này; số còn lại cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ để xử lý.

Do thời hạn điều tra đã hết, diện đối tượng rộng, hành vi của các đối tượng cơ bản độc lập với hành vi của các bị can đã khởi tố trong vụ án nên cơ quan điều tra quyết định tách hành vi gửi tiền vào Oceanbank và nhận tiền lãi ngoài trái pháp luật có liên quan đến các khách hàng để tiếp tục điều tra giải quyết triệt để, thu hồi tài sản, đảm bảo tính khách quan, nghiêm minh của pháp luật.

Hơn 100 tỷ tiền Nhà nước 'bốc hơi' trong đại án Oceanbank

Theo cáo trạng, Tập đoàn dầu khí Việt Nam có góp vốn Nhà nước vào Oceanbank 20% cổ phần, tương đương 800 tỷ đồng, đến nay không có khả năng thu hồi do Ocean bank đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Như vậy, đơn vị này bị lỗ số tiền góp vốn.

Ngoài ra, công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà cũng góp 266 tỷ đồng (tương đương 6,65% cổ phần) đến nay cũng không có khả năng thu hồi. Theo cơ quan điều tra, cần làm rõ vấn đề này.

Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra đã tách nhóm hành vi này để tiếp tục điều tra xử lý sau.

Theo T.Nhung (VietNamNet)