Kỳ 3: Hé lộ những đường dây mua bán bệnh án tâm thần
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trong cả nước có tới hàng nghìn đối tượng đang có bệnh án tâm thần (BATT) hoặc có tiền sử, biểu hiện bệnh tâm thần thuộc diện cơ quan Công an quản lý. Để trả lời câu hỏi, tại sao gần đây lại có nhiều bị can, số người tâm thần trong diện quản lý như vậy? Việc lấy BATT có dễ dàng hay không? Phóng viên Báo CAND đã đi sâu vào thực tế tại nhiều địa phương, tìm hiểu và đã liên tiếp phát hiện rất nhiều vấn đề xoay quanh việc cấp BATT.
Bác sỹ bán bệnh án tâm thần với giá 85 triệu đồng
Sự việc bắt đầu được phát giác vào cuối tháng 1-2018, khi cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm TP Hà Nội bắt được đối tượng truy nã Lê Thanh Tùng (tức Tùng "nháy", 32 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) về tội “Cố ý gây thương tích”. Đối tượng này trước đó đã cầm đầu ổ nhóm gây ra vụ đánh, chém người rất nghiêm trọng tại quán bar Camelli Lounge (tại đường Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), khiến 3 người bị thương tật nặng, có người tổn hại sức khỏe lên tới 47%. Sau khi gây án vào ngày 28-10-2017, Tùng đã bỏ trốn và cơ quan Công an đã phát lệnh truy nã.
Sau gần 3 tháng ráo riết truy bắt đối tượng cộm cán nguy hiểm này, cơ quan CSĐT đã bắt được Tùng. Thế nhưng, tại cơ quan Công an, Tùng đã không khai ra đồng bọn, không nói gì khác ngoài việc thừa nhận "bản thân bị bệnh tâm thần".
Sau 4 ngày bị bắt giữ, mẹ đẻ của Tùng đã đến cơ quan CSĐT giao nộp hồ sơ BATT phân liệt thể Paranoid (tâm thần phân liệt thể hoang tưởng) mang tên Lê Thanh Tùng, do Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - Bộ Y tế cấp. Trong bộ hồ sơ này thể hiện rõ, Tùng đã nhập viện vào ngày 22-11-2017 và ra viện vào ngày 21-12-2017, tức là vào thời điểm sau khi gây án gần 1 tháng.
Nhận định, bản thân Lê Thanh Tùng là đối tượng côn đồ hung hãn, có nhiều tiền án, tiền sự, lại chưa bao giờ có biểu hiện tâm thần, thời gian nằm điều trị thể hiện là sau khi gây án đối tượng mới đi nằm viện, cơ quan CSĐT đã xác định, bộ hồ sơ BATT nêu trên có thể là giả.
Qua quá trình xác minh, cơ quan Công an đã phát hiện ra bác sỹ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, tiến hành làm BATT giả cho Lê Thanh Tùng, đó là bác sỹ Thân Thái Phong (41 tuổi, Phó trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi) và Kỹ thuật viên trưởng Nguyễn Tuấn Sơn (34 tuổi, Khoa Dinh dưỡng). Ngày 12-6-2018, bác sỹ Phong và nhân viên Sơn đã bị cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam về hành vi giả mạo trong công tác.
Qua quá trình điều tra cho thấy, Sơn đã nhận 85 triệu đồng của một người phụ nữ (chưa rõ nhân thân) nhờ "chạy" BATT cho Lê Thanh Tùng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Sơn đã đưa tiền cho bác sỹ Phong, nhờ làm bệnh án cho Tùng, dù Tùng không có mặt, không đi khám, không điều trị tại bệnh viện. Phong đã chỉ đạo một số nhân viên làm giả hồ sơ bệnh án cho Tùng với kết luận bị "Tâm thần phân liệt thể Paranoid (20.0)".
Do vậy, ngày 18-6, cơ quan CSĐT đã ra quyết định thay đổi tội danh của bác sỹ Phong từ tội “Giả mạo trong công tác” sang tội “Nhận hối lộ”; bị can Sơn thay đổi tội danh từ “Giả mạo trong công tác” sang tội “Môi giới hối lộ”. Đồng thời, quyết định khởi tố bị can Lê Thanh Tùng thêm tội “Đưa hối lộ” và xem xét trách nhiệm của một số cá nhân khác. Ngoài ra, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang làm rõ hàng chục hồ sơ bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I có nghi vấn.
Được biết, liên quan đến việc chạy BATT, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định cũng vừa bắt một bác sỹ tại Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 7-2018 về tội Giả mạo trong công tác. Đó là bác sỹ Trần Mạnh Cường (SN 1961). Vị bác sỹ này bị bắt vì đã làm, cấp bệnh án giả để đối tượng lợi dụng đưa vào hồ sơ xin xét duyệt hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Một thông tin liên quan, năm 2014, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã từ chối, trả hồ sơ gần 30 nghìn trường hợp xin xét duyệt hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước...
600 nghìn đồng cũng bán
Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định cũng cho biết, tháng 8-2017, đơn vị này cũng đã bắt bác sỹ Trần Công Văn, nguyên Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nam Định về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự.
Theo kết luận điều tra, vì hồ sơ xin hưởng chế độ xã hội của ông Phạm Văn Xu (SN 1946, trú tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) không được xét duyệt do ông này chỉ có bệnh án thần kinh ngoại biên nên ông Xu đã nảy sinh ý định muốn "chạy" BATT cho con trai mình là Phạm Xuân Khu (SN 1981), để từ đó, ông Xu hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam, mặc dù con trai ông hoàn toàn bình thường, đã tốt nghiệp cấp 3.
Ngày 25-3-2011, nhân việc anh Khu bị ốm, ông Xu đã đưa con trai ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định khám và nói với bác sỹ Nguyễn Kim Tôn về mục đích khám bệnh cho Khu là muốn có hồ sơ bệnh án để làm chế độ da cam. Do đó, bác sỹ Tôn đã ghi chẩn đoán bệnh cho anh Khu là "Điếc dẫn truyền hai tai". Từ bệnh án này, đầu tháng 4-2011, ông Xu đã đưa con trai vào khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nam Định và gặp bác sỹ Trần Công Văn.
Qua trao đổi về mục đích vào bệnh viện tâm thần chỉ để lấy bệnh án làm chế độ da cam, bác sỹ Văn đã yêu cầu ông Xu đưa 600 nghìn đồng để làm bệnh án (gồm 300 nghìn đồng cho bác sỹ Văn và 300 nghìn đồng cho lãnh đạo ký bệnh án). Sau 14 ngày điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nam Định, các bác sỹ tại đây đã cấp BATT cho Khu với kết luận "Bệnh nhân Khu không biết chữ, bị rối loạn tâm thần, chậm phát triển tâm thần nặng, có rối loạn hành vi, thuộc mã bệnh quốc tế ICD10 – F22". Như vậy, trong khi anh Khu đã có bằng tốt nghiệp cấp 3, nhưng bác sỹ Tôn vẫn kết luận Khu điếc cả hai tai, còn bác sỹ Văn thì kết luận cho Khu bị bệnh chậm phát triển tâm thần nặng?
Sai trái hơn, ngày 27-6-2017, Hội đồng giám định Y khoa tỉnh đã giám định cho Phạm Xuân Khu và viết trong hồ sơ giám định: "Khám chuyên khoa tâm thần kết luận: không bị bệnh chậm phát triển tâm thần nặng có rối loạn hành vi. Có bệnh rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định (F06.3); khám chuyên khoa tai - mũi - họng kết luận: Điếc tiếp nhận hai tai". Từ đó Hội đồng giám định Y khoa tỉnh Nam Định kết luận chung "Khu bị tổn thương cơ thể do bệnh tật, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 25%".
Từ BATT của con trai, ông Xu đã hoàn thiện hồ sơ xin hưởng chế độ da cam của mình và chiếm hưởng số tiền 144,7 triệu đồng, từ năm 2011 đến tháng 6-2017 khi bị phát hiện. Tại cơ quan Công an, ông Xu cho biết, vợ ông cũng đã vào điều trị tại bệnh viện để lấy BATT, hưởng chế độ trợ cấp bị nhiễm chất độc hóa học thành công; chính bà cũng là người đã mua Huân chương Chiến sỹ Giải phóng hạng 3 với giá 300 nghìn đồng để ông Xu hoàn thiện hồ sơ xin trợ cấp. Ông Phạm Văn Xu đã bị cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Hàng trăm người trên một địa bàn rủ nhau đi "kiếm" bệnh án tâm thần
Có lẽ, nếu nghe qua thông tin trên, người nghe sẽ tưởng rằng mình nghe nhầm, nhưng bằng nhiều nguồn tin khác nhau, chúng tôi đã xác định điều đó 100% là sự thực. Qua nguồn tin này, chúng tôi được biết, từ năm 2014 đến năm 2017, 4 cơ sở y tế (gồm: Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ, Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực) đã cấp BATT cho 366 trường hợp, với cùng một mã bệnh rối loạn tâm thần F06.6 (rối loạn cảm xúc không ổn định suy nhược thực tổn).
Điều đáng nói là, tất cả họ đều xuất phát từ cùng địa bàn huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình; chia nhỏ từng tốp từ 2 đến 5 người cùng đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (địa chỉ đỏ để mua BATT) rồi cùng viết đơn xin được nhập viện để điều trị nội trú tại bệnh viện. Nhóm người này, sau khoảng 10 đến 15 ngày nằm viện sẽ đồng loạt viết đơn xin ra viện và cam kết với cùng một lý do "Bệnh đã đỡ nhiều, do gia đình có việc bận nên đề nghị bệnh viện cho về nhà uống thuốc theo đơn"; đồng thời, đề nghị viện in sao bệnh án điều trị bệnh để về địa phương làm chế độ chính sách. Từ BATT nêu trên, đã có nhiều trường hợp được hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học hằng tháng của Nhà nước.
Về địa bàn huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tiếp xúc nói chuyện với những người trong danh sách "tâm thần" đã nêu trên, chúng tôi thấy họ hoàn toàn bình thường, kể rõ về thời gian công tác, thời gian chiến đấu, cũng như hiểu rất rõ về "thủ đoạn" để được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Chúng tôi còn thu thập được tài liệu chứng minh có 40 trường hợp, tuy có bệnh rối loạn tâm thần F06.6 trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, nhưng vẫn đang đảm nhận nhiều chức vụ và đang công tác tại địa phương.
Đáng nói hơn có người là cán bộ hưu trí, là bí thư chi bộ thôn, đang hoạt động trong các đoàn thể xã hội... Điển hình như ông Lương Văn Ruynh (SN 66 tuổi), hiện là Phó Chi hội Cựu chiến binh thôn Kiến Quang, xã An Ninh; ông Dương Xuân Kính (63 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn Hưng Đạo 1, xã An Vinh; ông Nguyễn Văn Mậu (73 tuổi), Trưởng thôn Hưng Đạo 2, xã An Vinh...
Qua những dẫn chứng trên đây, chúng tôi nhận định, việc cấp BATT tại các cơ sở y tế tâm thần trong cả nước đang bị buông lỏng quản lý, tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Điều này giải thích vì sao, số lượng người mắc tâm thần lại tăng nhanh theo hằng năm; số đối tượng trong diện theo dõi của Công an cũng tăng theo và công tác giám định pháp y tâm thần cũng tăng đột biến.
Riêng đối với Viện Pháp y tâm thần Trung ương, số lượng bị can, bị cáo do cơ quan tố tụng trưng cầu đưa vào giám định pháp y tâm thần 6 tháng đầu năm 2018 bằng với số lượng giám định cả năm 2015; năm 2017 số lượng giám định pháp y tăng gấp 3 lần so với năm 2014 và gấp đôi so với năm 2015.
Tại kỳ 4, chúng tôi sẽ tường thuật lại quá trình trực tiếp thâm nhập những đường dây "ma" môi giới cung cấp BATT một cách dễ dàng.
Theo M.Khoa - T.Xuân (CAND Online)