ĐB Nguyễn Đức Sáu. Ảnh: Thu Hằng |
Ông Sáu cho rằng, một người mẹ khi mang bào thai trong mình đã luôn có cảm nhận, trách nhiệm, lo lắng, giữ gìn và bảo vệ nhưng giờ lại thực hiện hành vi sát hại con lại coi như bình thường thì cần phải điều tra làm rõ.
"Trong vụ việc người mẹ thực hiện hành vi sát hại con là trẻ sơ sinh 33 ngày tuổi thì người thực hiện đã có và nơi thực hiện hành vi cũng rõ ràng, tức là hành vi, hậu quả, quan hệ nhân quả đã có", ông Sáu nói.
ĐB Sáu cho rằng, qua báo chí phản ánh thì người phát hiện vụ việc là ông nội của cháu bé và người mẹ sau đó đã thừa nhận rõ ràng giống như mình đã làm một việc không nghĩ đó là hành vi vi phạm pháp luật.
"Với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội như thế này nếu họ đứng về mặt chủ quan của tội phạm thì cần phải làm rõ xem họ có phải là người bình thường hay không.
Theo tôi, cơ quan điều tra công an Hà Nội cần phải khởi tố vụ án để điều tra, xác định rõ xem người mẹ này có bị tâm thần hay không và có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không", ông Sáu phân tích.
Nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM cũng nhận định, nếu người mẹ này được xác định là bị tâm thần thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
"Bởi trong pháp luật Hình sự đã xác định rõ, người có năng lực, nhận thức, trách nhiệm hình sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi mình gây ra hành vi vi phạm pháp luật hình sự nào đó, gây hậu quả cụ thể.
Trong trường hợp của người mẹ này, tôi mới xem thông tin báo chí và nghĩ rằng, đây là sự việc không bình thường, tuy nhiên mọi chuyện phải được điều tra, xác minh rõ ràng, đồng thời không thể truy cứu trách nhiệm hình sự cho người bị tâm thần", ông nói thêm.
Kết quả giám định tâm thần sẽ là câu trả lời cuối cùng
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cho biết, mặc dù trong quá trình 37 năm làm công tác điều tra hình sự, ông đã chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng nhưng với hành vi của người mẹ này thì đây là lần đầu tiên ông được nghe.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu |
"Đây là sự việc rất đau lòng. Tôi cũng có nghe thông tin về việc người mẹ đó bị trầm cảm nhưng ở đây, cơ quan điều tra cần trưng cầu các biện pháp khoa học để giám định xem người mẹ đó có phải bị thần kinh hay không.
Nếu trường hợp người mẹ này bị thần kinh trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội tức là không nhận thức được hành vi, không nhận thức được hậu quả mà nó gây ra thì sẽ không cấu thành tội phạm", ông Cầu nói.
Giải thích thêm, Giám đốc Công an Nghệ An cho hay, trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm thì yếu tố chủ quan, tức là người này không nhận thức được đóng vai trò quan trọng.
"Trong trường hợp này, kết quả giám định tâm thần sẽ là câu trả lời cuối cùng", ông nêu rõ.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)