Những ngày qua, thông tin về sự việc người đàn ông dẫn theo đứa bé tầm 10 tuổi để dàn cảnh hàng chục vụ trộm trên địa bàn TP.HCM khiến dư luận bức xúc.
Tuy chưa xác định được mối quan hệ của hai người có phải là cha con không nhưng việc kéo trẻ em vào hành vi phạm pháp là không thể chấp nhận.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, đứa bé chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại là người trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì có bị xử tội? Những trường hợp tương tự thì sẽ xử người chỉ đạo trộm cắp hay đứa trẻ trực tiếp trộm?
Mượn tay trẻ để phạm tội
Theo hình ảnh ghi lại từ camera cửa hàng, ban đầu đứa bé tỏ vẻ ngờ nghệch, nghịch ngợm nhưng lại rất thành thục trong việc tìm và lấy tài sản. Đứa bé đã lấy được một số tài sản đáng kể theo cách thức này từ nhiều cửa hàng khác nhau.
Những biểu hiện trên cho thấy đứa bé đã được “đào tạo” kỹ lưỡng để phối hợp nhịp nhàng với người đàn ông. Thủ đoạn ở đây chính là lợi dụng sự thiếu cảnh giác, đề phòng đối với trẻ em và nếu có bị bắt quả tang thì dễ dàng giải thích đó chỉ là do sự táy máy của trẻ nhỏ.
Đây không phải là trường hợp duy nhất trẻ em bị người lớn lợi dụng, biến thành công cụ phạm pháp.
Năm 2014, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã tuyên phạt người chồng hai năm sáu tháng tù giam và người vợ ba năm tù khi xúi giục con mới 12 tuổi hai lần mở két sắt lấy trộm trên 82 triệu đồng.
Năm 2016, đoạn clip về hai người phụ nữ đánh lạc hướng, xúi giục trẻ ăn trộm iPhone tại một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại cũng gây bất bình trong dư luận.
Người xúi giục sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự
Nhận định về trường hợp này, ông Phạm Thái Thuần - thạc sĩ luật, giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng trường hợp xác định đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người đàn ông chỉ đạo đứa bé lấy trộm tài sản có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS.
Theo đó, với tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Ngoài ra, cũng theo quy định của BLHS, xúi giục người chưa thành niên phạm tội được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 17 BLHS.
Đối với đứa bé mặc dù có đủ bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật nhưng thời điểm phạm tội đứa bé vẫn là người chưa thành niên nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, ThS Thuần cũng nhấn mạnh trường hợp này khả năng đứa trẻ trở thành tội phạm trong tương lai là rất cao. Lý do là người có sức tác động đến trẻ em nhiều, mạnh nhất chính là cha mẹ.
Do đó, để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, cha mẹ cần quan tâm, giáo dục và là tấm gương tốt của con mình. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng, xúi giục trẻ làm việc xấu để đảm bảo tính răn đe.
Theo Trường Ngân (Pháp Luật TPHCM)